Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/5 đã nhất trí sẽ mở cửa trở lại biên giới của khối đối với cho những người đã tiêm đủ vaccine phòng COVID-19.
Phát biểu trong cuộc họp báo hàng tuần, ông Hans Kluge cho rằng ngay lúc này, khi dịch bệnh vẫn là mối đe dọa và không có gì chắc chắn, người dân cần duy trì cảnh giác và cân nhắc thận trọng hoặc tránh đi du lịch nước ngoài. Quan chức WHO lưu ý nhiều ổ dịch nhỏ hiện nay ở châu Âu hoàn toàn có thể lây lan nhanh chóng.
Bên cạnh đó, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Ấn Độ, được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn, hiện đã xuất hiện tại ít nhất 26/53 quốc gia thuộc khu vực châu Âu theo cách phân chia khu vực của WHO. Tuy nhiên, ông khẳng định các loại vaccine hiện hành có hiệu quả chống lại biến thể mới này.
Theo đó, các loại vaccine đã được cấp phép và phân phối trên thế giới đều có tác dụng đối với những biến thể của virus được biết cho đến nay, đồng thời các biện pháp y tế cộng đồng và giãn cách xã hội hiện nay cũng giúp kiểm soát sự lây lan của các biến thể mới.
Tới nay, mới chỉ có khoảng 23% dân số khu vực châu Âu được tiêm mũi đầu vaccine phòng bệnh và chỉ có 11% được tiêm đủ 2 mũi nên người dân cần duy trì cảnh giác. Ông Kluges nhấn mạnh dù vaccine "có thể là ánh sáng ở phía cuối đường hầm, nhưng chúng ta không nên để ánh sáng đó là chói mắt".
Theo phóng viên TTXVN tại Anh, từ ngày 20/5, những người tại xứ Scotland đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19 có thể được cấp giấy chứng nhận tiêm chủng do Cơ quan Y tế Vương quốc Anh (NHS) cấp. Giấy chứng nhận này được sử dụng như một “hộ chiếu vaccine” để có thể du lịch ra nước ngoài.
Người dân Scotland sẽ có thể tải về giấy xác nhận tình trạng tiêm chủng trong bộ hồ sơ dữ liệu y tế của họ được lưu trên trang website của NHS để chứng minh đã được tiêm phòng COVID-19 khi đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, Tiến sĩ Gregor Smith, Giám đốc Y tế Scotland, vẫn khuyến cáo mọi người “hết sức thận trọng khi đi du lịch nước ngoài” và “tiếp tục hạn chế đi du lịch nước ngoài”. Chính phủ Scotland cho biết việc cho phép người dân tải về giấy chứng nhận từ hồ sơ y tế cá nhân sẽ giảm bớt gánh nặng cho NHS, vì người dân sẽ không cần phải gọi điện yêu cầu các bác sĩ gửi giấy chứng nhận.
Nhận thấy vai trò ngày càng lớn của vaccine trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, châu Âu đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng COVID-19 và xúc tiến kế hoạch phát hành "hộ chiếu vaccine" nhằm đẩy nhanh tiến trình khôi phục hoạt động đi lại giữa các quốc gia và các vùng lãnh thổ. Ủy ban châu Âu (EC) ngày 20/5 thông báo ký hợp đồng thứ 3 để mua thêm 1,8 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Hợp đồng này sẽ giúp các nước EU dự trữ vaccine từ cuối năm nay đến năm 2023. Theo hợp đồng, số vaccine này phải được sản xuất tại EU và các thành phần thiết yếu để sản xuất vaccine phải có nguồn gốc từ EU.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ngày 20/5 khẳng định chương trình tiêm chủng phòng COVID-19 của EU đã tăng tốc và bắt kịp Mỹ. Theo bà Ursula von der Leyen, EU đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 70% người trưởng thành trước cuối tháng 7 tới và tỷ lệ này tương đương với mục tiêu mà Mỹ đề ra. Ngoài ra, Chủ tịch EC cũng nhấn mạnh EU đã xuất khẩu 220 triệu liều vaccine COVID-19, tương đương số vaccine mà EU dành cho công dân trong khối.