Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, bà Swaminathan cho biết động vật thuộc họ mèo, chồn sương và thậm chí cả hổ đều đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, bà khẳng định "có rất ít nguy cơ vật nuôi trong nhà trở thành một nguồn lây nhiễm". Phát biểu trên được đưa ra sau khi xuất hiện một số quan ngại về việc vật nuôi có thể lây bệnh cho chủ.
Trước đó, Bộ Nông nghiệp Hà Lan ngày 25/5 thông báo ca nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 2 nghi có nguồn gốc lây nhiễm từ chồn nuôi. Cách đó khoảng 1 tháng, Chính phủ Hà Lan cũng đã thông báo về trường hợp chồn tại một trang trại ở miền Nam nước này nhiễm virus SARS-CoV-2. Sau đó, Hà Lan thông báo về ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên nghi chồn là nguồn lây bệnh. Trước sức ép của các nhà bảo vệ động vật phản đối nuôi chồn lấy lông xuất khẩu, năm 2013, Chính phủ Hà Lan đã cấm lập các trại nuôi chồn mới, đồng thời tuyên bố đến năm 2024, tất cả các trại nuôi chồn đang hoạt động phải đóng cửa.
Cũng liên quan đến việc này, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã thông báo kế hoạch tài trợ một chương trình đào tạo khẩn cấp cho một nhóm “thám tử bệnh động vật” ở 11 quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền từ động vật sang người.
Chương trình sẽ đào tạo các chuyên gia thú y để phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng đối với an toàn sinh học. Tình hình lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 cũng như tác động lớn của đại dịch đối với kinh tế và sức khỏe con người khiến cho việc trang bị các công cụ điều tra dịch bệnh cho các bác sĩ thú y trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.