Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan và Trưởng nhóm chuyên gia nghiên cứu về COVID-19 của WHO, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove đã tham gia phiên họp báo trực tuyến ngày 6/1 nhằm giải đáp các thắc mắc liên quan đến nguy cơ biến thể được phát hiện tại Nam Phi của virus SARS-CoV-2 có thể kháng lại các loại vaccine đang được sử dụng và cấp phép ở nhiều nước. Tiến sĩ Van Kerhove cho rằng đây là tin rất tốt và là thông tin mới nhất WHO có được cho đến nay, trong khi các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục.
Biến thể của virus SARS-CoV-2 đã lần đầu tiên được phát hiện ở Vịnh Nelson Mandela, tỉnh Eastern Cape, Nam Phi vào tháng 10/2020. Nghiên cứu cho thấy biến thể này có thể đã xuất hiện vào cuối tháng 8 năm ngoái. Mặc dù đến nay, nhà chức trách mới chỉ ghi nhận một số ca nhiễm biến thể này bên ngoài Nam Phi, song WHO ngày 5/1 nhận định biến thể này có thể tăng nhanh ở nhiều quốc gia khác gồm Anh, Pháp, Phần Lan, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Áo và Zambia.
Giám đốc Van Kerkhove cho biết biến thể tại Nam Phi và các biến thể khác của SARS-CoV-2 đều gây biểu hiện bệnh lý giống nhau, với cùng mức độ nghiêm trọng theo tiêu chí về số bệnh nhân phải nhập viện điều trị và số ca tử vong, do đó WHO chưa ghi nhận sự thay đổi về mức độ nghiêm trọng của bệnh. Tuy nhiên, nhà dịch tễ học này cho biết dường như biến thể tại Nam Phi đã gia tăng khả năng lây nhiễm so với các loại virus khác.
Về phần mình, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cũng lưu ý rằng đã có nhiều biến thể của SARS-CoV-2 xuất hiện vào tháng 2 và tháng 3 năm ngoái. Biến thể xuất hiện khi virus có đột biến trong mã di truyền nhưng điều này không đồng nghĩa rằng virus sẽ hoạt động theo cách khác biệt. Chuyên gia này đánh giá sự khác biệt có thể ảnh hưởng đến cách virus liên kết với tế bào con người hoặc cách virus có thể tự sinh sản thành công trong cơ thể người, nhưng không thay đổi cách thức lây truyền của virus.