Theo kênh truyền hình RT, biến thể mới này được phát hiện đầu vào tháng 1 năm nay song mãi cho đến bây giờ sự lây lan mạnh mẽ của nó mới khiến giới chức y tế chú ý và xếp hạng.
Trong hệ thống phân loại của WHO, tùy theo mức độ nghiêm trọng, một biến thể mới sẽ được xếp loại vào các mục bao gồm biến thể cần “theo dõi đặc biệt”, biến thể “đáng quán tâm” và biến thể “quan ngại”.
Hiện có 11 biến thể khác được tìm thấy ở Brazil, Mỹ và Philippines có tên trong danh sách mà biến thể mới vừa được đưa vào.
Nếu WHO nhận thấy biến thể phát hiện tại Nga trở nên nguy hiểm hơn, nó sẽ được đặt tên chữ cái Hy Lạp tương tự như các biến thể Alpha, Delta, Beta… Hiện biến thể tại Nga chỉ được biết đến với cái tên AT.1.
Trao đổi với hãng thông tấn TASS, WHO nhấn mạnh tổ chức sẽ không gọi đây là "biến thể Nga”.
“Không một quốc gia nào nên bị ấn định là nguồn gốc sản sinh ra các biến thể”, WHO cho hay.
Nga đang phải hứng chịu một làn sóng đại dịch COVID-19 mới. Trong một vài tuần trở lại đây, các ca mắc tại quốc gia tăng mạnh, với số ca mắc mới trung bình hàng ngày vượt mốc 20.000 ca.
Ngày 9/7, Nga thông báo nước này có thêm 25.766 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong 24 giờ, mức cao nhất trong ngày kể từ ngày 2/1. Cùng ngày, Nga cũng ghi nhận thêm 726 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 141.501 ca, trong tổng số 5.733.218 ca mắc COVID-19.
Theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, gần 30 triệu người ở nước này đã tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Hiện các cơ quan chức năng đang khuyến khích người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 do số ca nhiễm mới bắt đầu tăng mạnh vào tháng trước.