Đây là nhận định của Giám đốc Chương trình Y tế khẩn cấp thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Michael Ryan, trong cuộc họp báo ngày 24/6 tại trụ sở của WHO ở Geneva, Thụy Sĩ.
Theo ông Ryan, dịch bệnh COVID-19 tại châu Mỹ hiện đang ở giai đoạn "khốc liệt", đặc biệt tại khu vực Trung và Nam Mỹ khi nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV0-2 tăng từ 25 đến 50% trong tuần qua. Điều này chứng tỏ tốc độ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn ở mức cao.
Quan chức WHO nhấn mạnh, vấn đề cấp thiết hiện nay là chính phủ các nước cần có biện pháp xử lý đồng bộ, cập nhật thông tin về dịch bệnh đầy đủ cũng như các biện pháp phòng ngừa đến người dân, tiến hành đồng thời với đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống hạ tầng y tế công cộng, tăng cường năng lực xét nghiệm, truy vết các ca nghi nhiễm để cách ly các đối tượng có tiếp xúc, qua đó ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng.
Các quan chức WHO nhấn mạnh có một thực tế cần lưu ý là châu Mỹ đang trong mùa cúm, do đó, dễ có sự nhầm lẫn giữa những bệnh nhân cúm thông thường và bệnh nhân COVID-19 khi số ca bệnh về đường hô hấp gia tăng. Tuy nhiên, hệ thống giám sát bệnh hô hấp ở châu Mỹ cho thấy tỷ lệ bệnh nhân có kết quả dương tính với các loại cúm khác là vào khoảng 30 - 40%.
Trên thực tế, gần một nửa số ca tử vong trên thế giới do COVID-19 tập trung tại châu Mỹ và con số này đang tiếp tục tăng. Giám đốc WHO tại châu Mỹ, Carissa Etienne cho biết tính đến ngày 23/6, châu Mỹ ghi nhận hơn 4,5 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 226.000 ca tử vong. Trong một tháng qua, khu vực Mỹ Latinh và Caribe nói riêng đã ghi nhận mức tăng từ 690.000 ca lên 2 triệu ca.
Cuối tuần qua, số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Brazil đã lên trên 1 triệu ca, cùng với Mỹ là hai nước có số ca mắc COVID-19 ở 7 con số. Brazil cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực châu Mỹ Latinh trong đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 24/6, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) đã kêu gọi Brazil tăng cường xét nghiệm nhằm xác định những người nhiễm virus SARS-CoV-2, coi đây là yếu tố then chốt để đối phó với dịch bệnh này. Giám đốc Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm của PAHO Marcos Espinal cho rằng mặc dù trong thời gian qua Brazil đã nỗ lực thực hiện các xét nghiệm nhằm xác định các ca dương tính với SARS-CoV-2, nhưng số lượng xét nghiệm vẫn chưa đạt tỷ lệ 10.000 mẫu thử/1 triệu dân. Vì vậy, cơ quan y tế cần phải tăng cường hơn nữa các xét nghiệm để các chuyên gia y tế có một cái nhìn sát thực tế nhất về tính chất của dịch bênh và từ đó đưa ra những quyết định sớm nhất vì sức khỏe của cộng đồng.
Ngày 24/6, Tổng thống Argentina Alberto Fernandez một lần nữa kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay để cùng nhau vượt qua cuộc khủng hoảng do COVID-19.
Phóng viên TTXVN tại Buenos Aires cho biết phát biểu tại một hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các nước Mỹ Latinh và Caribe do Tây Ban Nha và một số tổ chức quốc tế đồng tổ chức, Tổng thống Fernandez nhấn mạnh sự cần thiết phải triển khai các hành động tập thể nếu không muốn đối mặt với những đại dịch khác như thất nghiệp, bất bình đẳng và đói nghèo.
Theo nhà lãnh đạo Argentina, các nước trên thế giới và các tổ chức quốc tế cần phải ủng hộ việc giãn nợ cho các quốc gia nghèo nhất trên thế giới thông qua việc xem xét khả năng thiết lập bộ khung tổng thể về việc tái cơ cấu các khoản nợ công trên cơ sở công bằng và bền vững cho cả các chủ nợ và các nước đi vay sau những tác động do cuộc khủng hoảng bệnh dịch gây ra.
Tổng thống Fernandez cũng đề xuất thành lập một ủy ban toàn cầu để xử lý khủng hoảng với nhiệm vụ trao đổi thông tin về dịch bệnh, phát triển vaccine và các biện pháp điều trị bệnh, áp dụng việc xét nghiệm trên diện rộng, cũng như phối hợp để hoạt động thương mại quốc tế.
Với chủ đề “Cùng nhau đưa ra giải pháp cho Mỹ Latinh và Caribe trước đại dịch COVID-19”, hội nghị trực tuyến đã đưa ra nhiều đề xuất để thúc đẩy các biện pháp phối hợp trong cuộc đấu tranh chống COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Cùng tham dự hội nghị có lãnh đạo các nước Tây Ban Nha, Chile, Colombia, Costa Rica, Ecuador, Peru, Paraguay, CH Dominicana, Uruguay, Barbados, cũng các quan chức của Cộng đồng Caribe (Caricom), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ.
Cũng ở khu vực Nam Mỹ, ngày 24/6, Cuba ghi nhận duy nhất 1 ca dương tính với virus SARS-Cov-2, con số thấp nhất kể từ đầu mùa dịch.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, trong vòng gần một tháng qua, Cuba ghi nhận 1 ca tử vong do dịch bệnh, với tổng số người thiệt mạng do COVID-19 là 85 người. Hiện số bệnh nhân COVID-19 vẫn đang nằm viện để tiếp nhận điều trị là 102 người với 101 người (99%) trong số đó được báo cáo có tiến triển lâm sàng ổn định.
Tới nay, thủ đô La Habana vẫn là tâm dịch COVID-19 tại Cuba và là địa phương duy nhất duy trì các biện pháp hạn chế mà chính phủ áp đặt để đối phó dịch bệnh.
Trong khi đó, toàn bộ các tỉnh còn lại, với ít nhất 2 tuần không ghi nhận ca nhiễm mới, đã bắt đầu bước vào giai đoạn đầu tiên của quá trình bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội sau đại dịch, bao gồm việc nối lại giao thông công cộng và khởi động lại du lịch cho người dân địa phương. Cũng trong giai đoạn đầu này, Chính phủ Cuba đã cho phép mở cửa trở lại một số hàng quán và các dịch vụ dân sinh, tuy nhiên vẫn hạn chế tối đa tụ tập đông người và người dân vẫn buộc phải sử dụng khẩu trang khi ra đường.
Cũng theo số liệu do cơ quan y tế Cuba công bố, tính tới thời điểm hiện tại đảo quốc Caribe đã ghi nhận tổng cộng 2.319 trường hợp mắc COVID-19 trên cả nước, trong đó 2.130 người đã được chữa khỏi hoàn toàn, chiếm tỷ lệ 91,8%. Theo thống kê từ PAHO, Cuba là quốc gia đứng thứ hai ở khu vực Mỹ Latinh, sau Uruguay, với 94,9% tỷ lệ bệnh nhân phục hồi. Tiếp đến là Chile với 82,8%, Mexico (75,2%), Paraguay (63,1%), Panama (56,9%) và CH Dominicana (56,7%).