Bệnh viện Santa Helena, nơi bệnh nhân nhiễm virus Zika đầu tiên được phát hiện, tại Camaçari, Bahia, Brazil ngày 29/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ca lây nhiễm virus Zika ở Mỹ được phát hiện tại Dallas, bang Texas và theo giới chức y tế địa phương, bệnh nhân dường như bị nhiễm bệnh do quan hệ tình dục chứ không phải bị muỗi đốt như các trường hợp khác.
Người phát ngôn WHO Gregory Hartl nhấn mạnh cần phải điều tra kỹ lưỡng hơn về các điều kiện và tần suất mà virus này có thể lây lan qua đường tình dục. Đặc biệt, đây đã là ca lây nhiễm qua đường tình dục thứ hai được phát hiện. Trước đó, một người đàn ông Mỹ trở về từ Senegal được cho là cũng đã lây bệnh cho vợ của mình.
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 3/2 yêu cầu các cơ quan chức năng nước này ban hành hướng dẫn đi lại cho công dân cần đi tới những nước đang có dịch Zika. Tổng thống Widodo cũng hối thúc người dân sớm đi kiểm tra nếu xuất hiện dấu hiệu đáng ngại cũng như cơ quan chức năng phản ứng kịp thời với các trường hợp nghi nhiễm Zika.
Indonesia đã có một trường hợp nhiễm virus Zika, là một người đàn ông 27 tuổi, song Bộ trưởng Y tế Nila Moeloek cùng ngày cho biết người bệnh này đã được chữa khỏi.
Virus Zika là nguyên nhân khiến não các bé sơ sinh bị teo nhỏ, do đó còn có tên gọi là virus "đầu nhỏ", loại virus này lây lan nhanh chóng tại khu vực châu Mỹ khiến WHO phải ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về đại dịch do virus Zika hồm 1/2.
WHO hối thúc các nước tăng cường các biện pháp phòng ngừa để đối phó với dịch bệnh. Mặc dù được phát hiện ở châu Phi từ năm 1947, nhưng virus Zika được coi là tương đối lành tính cho tới khi các ca lây nhiễm virus này bùng phát dữ dội ở châu Mỹ Latinh từ cuối năm ngoái với các tác động nghiêm trọng đến sức khỏe trẻ sơ sinh.