Phát biểu trước một cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO Fadela Chaib nêu rõ: “Tất cả các bằng chứng sẵn có đều chỉ ra virus này có nguồn gốc từ động vật chứ không phải được phát triển hoặc tạo ra trong phòng thí nghiệm hoặc ở một nơi nào đó”.
Theo đó, bà Chaib cho rằng virus này khả năng có nguồn gốc từ động vật. Hiện chưa rõ cách virus lây từ động vật sang người, song bà Chaib khẳng định “chắc chắn” động vật là vật chủ trung gian truyền virus. Theo người phát ngôn này, nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 có liên quan đến loài dơi, song các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu cách virus nguy hiểm này truyền từ loài dơi sang người.
Dù đến nay vẫn chưa thể xác định SARS-CoV-2 xuất phát từ dơi hay tê tê, song nhiều chuyên gia khẳng định đại dịch, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng trên toàn cầu và đang làm đảo lộn cả thế giới, đến từ động vật. Chính hoạt động của con người đang khiến SARS-CoV-2 lây sang con người, và các chuyên gia cảnh báo nếu không thay đổi, rất nhiều đại dịch khác xuất phát từ tự nhiên khác sẽ còn tiếp tục xuất hiện.
Trên thực tế, bệnh dịch xuất phát từ động vật không mới, chẳng hạn như lao, dại, sốt rét hay bệnh kí sinh trùng do toxoplasma gondii gây ra. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 60% bệnh dịch lây nhiễm ở người xuất phát từ động vật. Con số trên đã tăng lên thành 75%, với những dịch bệnh “đang nổi” như Ebola, HIV, cúm gia cầm, Zika, hay SARS.
Báo cáo UNEP 2016 cho rằng sự nổi lên của các dịch bệnh xuất phát từ động vật thường có liên hệ với những thay đổi về môi trường hay xáo trộn sinh thái, do hoạt động thâm canh nông nghiệp và định cư của con người, hay do sự xâm lấn rừng và các môi trường sống khác.