Các bệnh mãn tính về lối sống, như đau tim, đột quỵ, hen suyễn và bệnh phổi, được cho là nguyên nhân gây ra hơn 80% số ca tử vong trong số 1,9 tỷ người ở Tây Thái Bình Dương. Mục tiêu của LHQ là giảm ⅓ (khoảng 33%) số ca tử vong sớm vào năm 2030. Cho đến nay, mức giảm ghi nhận tại đây là hơn 25%.
Phát biểu họp báo ở thủ đô Manila của Philippines, quan chức cấp cao của WHO tại Tây Thái Bình Dương, ông Kidong Park cho biết WHO dự đoán khu vực này “không thể đáp ứng được” mục tiêu trên của LHQ vào thời hạn năm 2030. Ông nêu rõ thêm rằng việc tiêu thụ rượu và thuốc lá là hai trong nhiều yếu tố rào cản khiến việc kiểm soát các bệnh liên quan đến lối sống trở nên khó khăn. Tốc độ giảm không đạt được mục tiêu giảm 40% lượng tiêu thụ rượu và thuốc lá bình quân đầu người trong một năm. Do đó, quan chức này nhấn mạnh rằng cần giảm mạnh lượng tiêu thụ rượu và thuốc lá.
Quan chức WHO cũng cho biết thêm rằng các quốc gia như Micronesia, Papua New Guinea, Philippines và Quần đảo Solomon thậm chí còn chứng kiến số ca tử vong sớm do các bệnh liên quan đến lối sống gia tăng trong giai đoạn 2000 - 2019, trái ngược với xu hướng giảm chung trên toàn khu vực.
Theo WHO, hiện chỉ có Australia, New Zealand và Vanuatu áp thuế tối thiểu 75% giá bán lẻ đối với các sản phẩm rượu và thuốc lá. Quan chức cấp cao của WHO, ông Hiromasa Okayasu đã trích dẫn "quy định lỏng lẻo" của một số quốc gia thành viên khu vực Tây Thái Bình Dương về thuốc lá điện tử, do đó kêu gọi các quốc gia siết chặt quy định liên quan vấn đề này.
Giảm tử vong sớm do các bệnh liên quan đến lối sống là một trong số các nội dung thuộc Mục tiêu số 3 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ vào năm 2030.