Phát biểu tại họp báo trực tuyến, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ ý tưởng thiết lập quỹ độc lập này đã có từ tháng 2/2018. Theo ông, một trong những mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với WHO là chỉ chưa đầy 20% khoản ngân sách của tổ chức này là có thể được sử dụng một cách linh hoạt, trong khi hơn 80% số tiền còn lại là những khoản đóng góp tự nguyện nhưng đã được chỉ định dùng cho các chương trình nhất định.
WHO chỉ có quyền kiểm soát việc sử dụng phí thành viên, vốn dựa trên dân số và tiềm lực tài chính của một nước. Do đó, để có thể hoàn thành sứ mệnh, WHO cần mở rộng việc quyên góp, cải thiện chất lượng và số lượng số tiền quyên góp nhận được.
Việc thành lập quỹ mới sẽ tạo điều kiện cho các cá nhân và đối tác doanh nghiệp đóng góp cho WHO, qua đó giúp tổ chức này có nguồn ngân sách bền vững hơn. Quỹ mới sẽ hỗ trợ các nhu cầu y tế toàn cầu thông qua việc cấp ngân sách cho WHO, do các đối tác chịu trách nhiệm thực thi và có sự tách biệt pháp lý với tổ chức này. Người phát ngôn của WHO nhấn mạnh trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hoành hành, quỹ WHO ban đầu sẽ tập trung vào ứng phó khẩn cấp và giải quyết đại dịch, thực hiện quyên góp và phân phối ngân sách các ưu tiên của tổ chức này trong lĩnh vực y tế công trên phạm vi toàn cầu.
Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất của WHO. Tính riêng trong năm 2019, Washington đã "rót" cho tổ chức có trụ sở tại Thụy Sĩ này hơn 400 triệu USD, chiếm khoảng 15% ngân sách của WHO. Tổng thống Donald Trump mới đây đã chỉ trích WHO vì đã phản ứng chậm trước sự lây lan của đại dịch COVID-19 và tuyên bố ngừng đóng quỹ từ ngày 14/4. Đến ngày 18/5, ông cảnh báo sẽ đóng băng khoản tiền đã đóng góp cho WHO và Mỹ sẽ rút khỏi WHO nếu tổ chức này không có sự cải thiện lớn trong 30 ngày tới.