WHO: Thế giới cần học Trung Quốc về tốc độ kiềm chế dịch COVID-19

Khi số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày bên ngoài Trung Quốc vượt mạnh so với tâm dịch, chuyên gia tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng thế giới cần học Trung Quốc về tốc độ kiềm chế dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Ông Bruce Aylward. Ảnh: China Daily

Tờ China Daily dẫn lời ông Bruce Aylward, trưởng nhóm chuyên gia chung WHO - Trung Quốc về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng virus Corona mới SARS-CoV-2 gây ra: “Bạn phải phát hiện người nhiễm virus nhanh chóng, và bạn phải cách ly họ cũng như người tiếp xúc gần với họ để có thể dập dịch. Thông điệp lớn đầu tiên: Tốc độ, tốc độ, tốc độ”. 

Hiện tại, toàn cầu có trên 100.000 người nhiễm COVID với 1/5 số ca nằm bên ngoài tâm dịch Trung Quốc. Theo WHO, 2.736 ca nhiễm mới tại 47 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến hết ngày 6/3 đã lớn gấp nhiều lần so với 99 ca nhiễm mới tại Trung Quốc. 

Ông Bruce Aylward miêu tả Trung Quốc là "tuyến phòng thủ đầu tiên cho sự lây lan quốc tế của chủng virus này". Ông đánh giá cao các biện pháp kiểm soát cơ bản của Trung Quốc để ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh, đặc biệt là quyết định phong tỏa ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nơi virus SARS-CoV-2 bùng phát cuối năm 2019. 

Chuyên gia này cũng gợi ý rằng mặc dù các nước khác trên thế giới đã không chuẩn bị sẵn sàng cho việc kiểm soát dịch bệnh trong khoảng thời gian COVID-19 mới chỉ tập trung tại Trung Quốc, thực tế chưa bao giờ là muộn để kiểm soát tình hình. Hàn Quốc, Iran và Italy chính là ba nước đang bị dịch bệnh hoành hành nặng nhất bên ngoài Trung Quốc. 

“Tôi đã chia sẻ với Iran và Italy trong vài ngày rằng các bạn có thể làm chậm tốc độ lây lan của virus. Và mọi biện pháp các bạn đưa ra để kiểm soát và giảm số lượng ca nhiễm, mức độ lây nhiễm, đều sẽ  làm số ca nhiễm bệnh ít hơn và thêm người được cứu sống”, ông Aylward nói. 

Italy dự kiến áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh mới và chặt chẽ hơn, trong đó có thể cấm người dân đến và rời khỏi vùng Lombardy cùng 11 tỉnh thành khác ở miền Bắc nước này nếu không có giấy phép đặc biệt. Trong ngày 8/3, Italy ghi nhận thêm 133 ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19, nâng tổng số ca tử vong của nước này lên 366 người.

Ông Christoph Hamelmann, Đại diện WHO tại Iran, cho biết các bệnh viện tại toàn bộ tỉnh, thành trên khắp Iran đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần và trang thiết bị để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Bộ Y tế Iran ngày 8/3 thông báo nước này vừa ghi nhận thêm 49 ca tử vong do virus Corona, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên thành 194 người. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Iran đã tăng lên thành 6.566 người.

Trong khi đó, Trung Quốc ngày 7/3 tuyên bố sẽ đóng góp 20 triệu USD cho WHO nhằm chiến đấu với dịch viêm đường hô hấp cấp cũng như giúp các nước đang phát triển nâng cao khả năng xử lý dịch bệnh. 

Ông Chen Xu, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva, cho biết công cuộc phòng chống dịch bệnh tại Trung Quốc đang đạt được tiến triển bền vững và điều này đã bảo toàn được sinh mạng và sức khỏe cho người dân nước này cũng như đóng góp quan trọng vào an ninh y tế cộng đồng toàn cầu. Theo ông, Bắc Kinh sẵn sàng tham gia vào các chương trình hợp tác quốc tế để phòng chống dịch bệnh, cũng như hỗ trợ các nước có hệ thống y tế công cộng yếu kém.

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Phong tỏa kiểu Trung Quốc có là lời giải chung cho bài toán COVID-19?
Phong tỏa kiểu Trung Quốc có là lời giải chung cho bài toán COVID-19?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc trong việc ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, song khẳng định không có mô hình chung áp dụng cho tất cả các nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN