Chiến lược trên kêu gọi các nước đến năm 2030 đảm bảo ít nhất 90% các bé gái được tiêm đầy đủ vaccine ngừa ung thư cổ tử cung trước 15 tuổi. Bên cạnh đó, chiến lược cũng đề ra mục tiêu ít nhất 70% phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung vào 2 thời điểm lần lượt trước 35 tuổi và 45 tuổi, và ít nhất 90% số phụ nữ mắc bệnh được điều trị.
Trong một tuyên bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Việc xóa sổ bệnh ung thư từng được cho là một giấc mơ, nhưng chúng ta hiện có những công cụ ít tốn kém mà vẫn hiệu quả và dựa trên bằng chứng để biến giấc mơ đó thành hiện thực”. Hơn 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung được chẩn đoán mỗi năm trên thế giới, hàng trăm nghìn phụ nữ tử vong do căn bệnh quái ác này. WHO cảnh báo nếu các nước không khẩn trương hành động, số ca mắc bệnh này trên toàn cầu sẽ tăng từ 570.000 ca năm 2018 lên 700.000 ca vào năm 2030, trong khi số ca tử vong tăng từ 311.000 ca lên 400.000 ca cũng trong khoảng thời gian trên. Tuy nhiên, giới chức WHO thừa nhận chiến lược trên được triển khai vào thời điểm khó khăn khi thế giới đang dồn lực chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Tại cuộc họp thường niên của WHO tuần trước, tất cả 194 nước thành viên đã nhất trí kết hoạch tiến tới loại bỏ ung thư cổ tử cung. Trợ lý Tổng giám đốc phụ trách sức khỏe gia đình, phụ nữ và trẻ em của WHO Princess Nothemba Simelela đánh giá đây là một bước ngoặt quan trọng khi lần đầu tiên thế giới nhất trí loại bỏ căn bệnh ung thư duy nhất có thể phòng ngừa được bằng vaccine và cũng là bệnh ung thư duy nhất có thể được chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Ung thư cổ tử cung do papillomavirus (HPV) gây ra và thường lây lan qua đường tình dục. Đây là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Phụ nữ có thể ngăn ngừa bệnh bằng cách tiêm vaccine an toàn và đáng tin cậy. Bệnh nhân có thể được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị phù hợp.