Phát biểu ngày 18/3 tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ, bà Harris khẳng định đại dịch "vẫn chưa kết thúc", đồng thời cho rằng thế giới "chắc chắn vẫn đang trong giai đoạn xảy ra đại dịch".
Trước đó, cơ quan y tế của Liên hợp quốc (LHQ) cho rằng "giai đoạn cấp tính" của đại dịch có thể kết thúc vào cuối năm 2022, song điều này sẽ phụ thuộc vào tốc độ đạt mục tiêu bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cho 70% dân số của mỗi nước.
Theo WHO, sau hơn 1 tháng ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 giảm, con số này lại gia tăng trên khắp thế giới trong tuần từ ngày 7 - 13/3, trong đó một số nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, đang phải áp đặt biện pháp phong tỏa để khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Cụ thể, trong tuần từ ngày 7 - 13/3, số ca mắc mới COVID-19 đã tăng 8% so với một tuần trước đó, với trên11 triệu ca mắc mới, trong khi hơn 43.000 người đã tử vong. Tính đến ngày 13/3/2022, thế giới ghi nhận hơn 455 ca mắc và hơn 6 triệu người không qua khỏi.
Xét theo khu vực, số ca mắc mới tại khu vực Tây Thái Bình Dương, khu vực châu Phi và châu Âu đã tăng lần lượt là 29%, 12% và 2% so với tuần trước đó, trong khi vùng Đông Địa Trung Hải, vùng Đông - Nam Á và châu Mỹ giảm lần lượt là 24%, 21% và 20%.
Tuy nhiên, số ca tử vong trên toàn cầu giảm 17%. Hầu hết các khu vực đều ghi nhận số ca tử vong giảm, ngoại trừ khu vực Tây Thái Bình Dương, với mức tăng 12%.
WHO cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới số ca mắc mới trên thế giới gia tăng, trong đó có sự lây lan của biến thể Omicron và dòng phụ BA.2, cùng với việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xã hội và y tế.