Thái tử Willem-Alexander đã trở thành Nhà vua Hà Lan đầu tiên kể từ năm 1890 sau khi Nữ hoàng Beatrix thoái vị ở tuổi 75.
Sinh ngày 27/4/1967, Hoàng tử xứ Cam (Prince of Orange) là con đầu của Nữ hoàng Beatrix và cố Hoàng tử Claus. Thời niên thiếu Willem-Alexander theo học các trường ở Hà Lan, nhưng sau đó được gửi sang xứ Wales để hoàn thành cấp trung học.
Nhà vua Hà Lan, Willem-Alexander, Hoàng hậu Maxima cùng các con (từ trái sang): Catharina-Amalia, Ariane, và Alexia xuất hiện trên ban công Cung điện Hoàng gia ngày 30/4 sau khi Nữ hoàng Beatrix chính thức thoái vị. |
Ông tiếp tục nghiên cứu lịch sử tại trường Đại học tổng hợp Leiden, nhưng những năm tháng ăn chơi, ưa tiệc tùng tại đây đã khiến hoàng tử Hà Lan bị giới truyền thông gán cho danh hiệu “Prince Pils”, theo tên một loại bia.
Sau khi tốt nghiệp năm 1993, Willem-Alexander trở về Hà Lan và có nhiều bước đi nhằm thay đổi hình ảnh có phần tiêu cực của mình. Năm 1998, ông được quốc hội Hà Lan nhất trí cho phép trở thành thành viên của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
Vị quốc vương tương lai cũng có nhiều nỗ lực trong các chương trình cộng đồng và năm 2006 được bầu làm Chủ tịch Ủy ban cố vấn về nước và vệ sinh của Tổng thư ký Liên hợp quốc.
Năm 1999, Willem-Alexander gặp gỡ Maxima, khi đó chỉ là một cử nhân kinh tế bình thường người Argentina. Họ kết hôn vào tháng 2/2002 trong một cuộc hôn nhân ban đầu gây tranh cãi do cha của Maxima từng là bộ trưởng nông nghiệp dưới thời chế độ độc tài Argentina từ năm 1979-1981.
Tháng 11/2009, Willem-Alexander đã phải bán căn hộ nghỉ mát sang trọng ở Mozambique mà ông mua riêng cho vợ mình do đối mặt với những chỉ trích về lối sống xa hoa cá nhân.
Năm ngoái, Thái tử một lần nữa bị chỉ trích khi tham gia cuộc thi “ném toilet” truyền thống tại một ngôi làng ở miền đông Hà Lan đúng vào ngày Nữ hoàng, 30/4.
Nhưng trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi đầu tháng này, Willem-Alexander đã giành được nhiều cảm tình của dân chúng với lời thừa nhận: “Chúng ta đều là con người, con người ai cũng mắc lỗi cả. Nếu mắc lỗi, ta phải rút được bài học từ đó và chắc chắn sẽ không để chúng tái diễn nữa”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn hai tuần trước lễ đăng quang đó, vị thái tử 46 tuổi cho biết, ông muốn trở thành một vị quốc vương truyền thống của thế kỷ 21 nhưng sẽ không câu nệ vào các nghi lễ, và các thần dân không cần phải gọi ông là “bệ hạ” nếu họ không muốn. Uy tín của thái tử đã tăng tới 10 điểm ngay sau cuộc phỏng vấn này, với 69% người Hà Lan bày tỏ tin tưởng vào tân vương.
Thu Hằng (Theo BBC)