Trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters, chuyên gia Nairn cho biết nắng nóng khắc nghiệt sẽ xảy ra thường xuyên hơn và rải rác trong các mùa do tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Ông nhấn mạnh nhiệt độ toàn cầu ngày càng có xu hướng gia tăng khiến các đợt nắng nóng xảy ra với tần suất dày hơn và cường độ mạnh hơn.
Trước đó, đầu tuần, WMO cảnh báo nhiệt độ ở Bắc Mỹ, châu Á, Bắc Phi và Địa Trung Hải có thể sẽ vượt quá 40 độ C trong tuần này.
Khu vực Nam Âu đang vật lộn với đợt nắng nóng kỷ lục trong mùa cao điểm du lịch Hè, khiến nhà chức trách phải ban bố cảnh báo người dân về nguy cơ gia tăng các vấn đề sức khỏe và thậm chí tử vong. Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người dân Mỹ. Nắng nóng ngột ngạt cũng đang bao trùm khu vực Trung Đông.
Nhiều quốc gia, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên, đang hy vọng tất cả các nước tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra cuối năm nay, sẽ nhất trí loại bỏ dần việc tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Về vấn đề này, ông Nairn cho rằng việc hạn chế nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp loại bỏ bớt một yếu tố gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không thể ngay lập tức xoay chuyển tình thế, nhưng chắc chắn chúng ta có thể hành động".