Bà Okonjo-Iweala nói điều này có thể không xảy ra ở khắp mọi nơi, nhưng một số quốc gia quan trọng phải đối mặt với nguy cơ rơi vào suy thoái. Điều đó có thể gây tác động khá đáng kể đối với các thị trường mới nổi và các nước nghèo, vốn cần nhu cầu bên ngoài từ các nước phát triển để phục hồi.
Tổng Giám đốc WTO lưu ý kinh tế toàn cầu còn rất nhiều yếu tố không chắc chắn và hầu hết các rủi ro đều ở phía bất lợi, chẳng hạn như hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine và những “cơn gió ngược” từ lạm phát phi mã.
Bên cạnh đó, bà Okonjo-Iweala cho biết đã kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 loại bỏ dần các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực, vốn đang gia tăng và gây tổn hại cho các nước nghèo vì chúng đẩy giá lương thực lên cao.
Đầu tháng 10, WTO dự đoán tốc độ tăng trưởng thương mại thế giới năm 2023 chỉ ở mức 1%. Con số này thấp hơn đáng kể so với dự báo trước đó của tổ chức này là 3,4%.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc WTO bày tỏ hy vọng sẽ có một bước đột phá nào đó trong việc cải cách hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. Hệ thống này đã bị tê liệt kể từ năm 2019, khi chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán cho một cơ quan phúc thẩm phân xử về các vấn đề tranh chấp thương mại toàn cầu.
Trong một cuộc họp vào tháng 9, các bộ trưởng thương mại của Nhóm bảy quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) đã đồng ý hướng tới việc có một hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO hoạt động hiệu quả vào năm 2024.