Với quyết định mới, Cơ quan Phúc thẩm chuyên giải quyết tranh chấp của WTO đã đảo ngược một số điểm trong phán quyết năm 2018, theo đó khẳng định các biện pháp của Hàn Quốc không phải là những hạn chế thương mại không công bằng cũng như không phân biệt đối xử với Nhật Bản. Tuy nhiên, WTO cũng đã đứng về phía Nhật Bản trong 1 điểm, cho rằng Seoul đã không cung cấp đủ thông tin cho Tokyo về các biện pháp cấm nhập khẩu.
Ngay sau khi WTO ra phán quyết trên, Seoul đã lên tiếng hoan nghênh quyết định, đồng thời tuyên bố sẽ duy trì các biện pháp hạn chế hiện nay đối với 28 loại cá đánh bắt từ 8 tỉnh gần Fukushima kể từ sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân năm 2011. Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng hy vọng sẽ không còn thêm tranh chấp thương mại nào đối với Nhật Bản.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Takamori Yoshikawa tái khẳng định các sản phẩm thực phẩm của Nhật bản an toàn, đồng thời lấy làm tiếc về phán quyết trên của WTO. Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết sẽ tiếp tục thúc đẩy việc xóa bỏ các biện pháp trên trong các cuộc đàm phán song phương.
Sau thảm họa động đất, sóng thần, kéo theo rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào năm 2011, khoảng 50 nước duy trì các lệnh cấm nhập khẩu hải sản của Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản chỉ đệ đơn kiện lên WTO đối với Hàn Quốc, cho rằng các biện pháp hạn chế của nước láng giềng quá nghiêm ngặt và không dựa trên bằng chứng khoa học.
Tháng 8/2015, Tokyo đã chính thức đệ đơn kiện lên WTO về các lệnh cấm nhập khẩu hải sản cũng như các quy định kiểm tra bổ sung của Seoul đối với các loại cá đánh bắt sau năm 2013. Tokyo cho rằng nồng độ phóng xạ trong sản phẩm hải sản của nước này thấp hơn của một số quốc gia khác.
Tháng 2/2018, WTO ra phán quyết cho rằng Seoul đã đưa ra các biện pháp trên ngay sau khi xảy ra sự cố hạt nhân tại nhà máy điện Fukushima và việc duy trì các chế tài là vi phạm thỏa thuận vệ sinh và kiểm dịch động vật (SPS) của tổ chức này. 6 tháng sau đó, Seoul đã kháng cáo, khẳng định các biện pháp hạn chế hiện nay nhằm đảm bảo an toàn cho công chúng.