Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến của Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala nhấn mạnh "xu hướng trên đang đi sai hướng", đề cập đến các rào cản đối với việc giao dịch các mặt hàng y tế liên quan đến việc chống dịch. Bà nêu rõ: "Chúng ta cần dỡ bỏ những biện pháp hạn chế đó để tạo thuận lợi cho hàng hóa y tế và vaccine lưu thông (dễ dàng hơn)". Bà lưu ý hiện có 109 biện pháp hạn chế thương mại được áp đặt ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm ngoái và con số này đã giảm xuống còn 51 trước khi lại tăng lên 53.
Cũng tại sự kiện này, Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala kêu gọi các thành viên WTO đạt được thỏa thuận về cải thiện khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 7 tới sau nhiều tháng đàm phán về ý tưởng bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19. Bà thừa nhận sẽ rất khó khăn khi vẫn tồn tại những khác biệt giữa các nước, song vẫn hy vọng "chúng tôi có thể đạt được một cách tiếp cận thiết thực".
Tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 và sẽ đàm phán các điều khoản tại WTO. Thông báo về vấn đề này, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai nhấn mạnh mặc dù quyền sở hữu trí tuệ là quan trọng đối với doanh nghiệp, nhưng Washington ủng hộ dỡ bỏ biện pháp bảo vệ đó đối với vaccine ngừa COVID-19. Nhiều nước khác, trong đó có Pháp, Ấn Độ, New Zealand và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Vaccine toàn cầu GAVI đã hoan nghênh ý tưởng này. Tuy nhiên, các hãng dược phẩm lớn phản đối, cho rằng việc này sẽ tạo tiền lệ có thể gây tổn hại sự đổi mới, cải tiến trong tương lai đồng thời nhấn mạnh động thái này sẽ không giúp thúc đẩy sản xuất vaccine.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) lại vạch ra một kế hoạch mà cơ quan này cho là giải pháp hiệu quả hơn để tăng sản lượng vaccine ngừa COVID-19 so với việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ và phù hợp với quy tắc hiện hành của WTO.
Theo đó, kế hoạch của EC gồm ba điểm chính. Thứ nhất, dỡ bỏ bớt các quy định về hạn chế xuất khẩu vaccine cũng như nguyên liệu bào chế vaccine. Thứ hai là các nhà sản xuất và các nhà phát triển vaccine cần có các cam kết cụ thể nhằm tăng nguồn cung cho các nước đang phát triển dễ bị tổn thương trong đại dịch và giá thành vaccine cung cấp đúng bằng chi phí đầu vào. Thứ ba, các nhà sản xuất có thể sản xuất vaccine mà không cần được các chủ sở hữu bằng sáng chế chấp thuận chỉ khi các hãng này được các cơ quan chức năng có thẩm quyền của nước đó cấp phép.