Theo đài RT, những người trong ngành vận tải cho biết hàng nghìn xe tải bị ảnh hưởng sau khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với đội xe tải của Nga và Belarus.
Ông Jan Buczek, Giám đốc ZMPD (một cơ quan thương mại của các nhóm vận tải Ba Lan), cho biết trong những ngày gần đây, hàng xe đợi tại cửa khẩu Koroszczyn sang Belarus - nằm trên tuyến đường chính từ Berlin đến Moskva - đã dài tới 80 km.
Ông nói: “Xe tải của Belarus và Nga sẽ không có cách nào rời được lãnh thổ Ba Lan vào ngày mai”.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Doanh thu Quốc gia của Ba Lan, thời gian chờ đợi tại ngã tư Koroszczyn là 33 giờ vào sáng 15/4, trong khi tại trạm kiểm soát Bobrowniki ở phía bắc, thời gian chờ hơn là 56 giờ. Các nhóm vận tải cho biết cũng có nhiều xe tải xếp hàng dài tại các điểm qua biên giới ở Litva và Latvia.
Trong tháng này, EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt, cấm xe tải do các công ty của Nga hoặc Belarus điều khiển đi vào hoặc ở lại trong khối. EU chỉ miễn trừ cho các phương tiện vận chuyển thực phẩm, thuốc men, thư tín và năng lượng. EU đặt ra thời hạn cuối cùng là ngày 16/4 để xe tải Nga và Belarus rời đi.
Các biện pháp trừng phạt nói trên là một phần trong nỗ lực mới nhất của EU nhằm trừng phạt Nga vì đưa quân vào Ukraine.
Khi các quan chức hải quan kiểm tra gắt gao các phương tiện qua biên giới, hàng nghìn phương tiện có thể không xuất cảnh kịp thời và có nguy cơ bị chính quyền các nước thu giữ.
Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn vì điểm giao nhau giữa Ba Lan và Belarus tại Kuznica đã bị đóng cửa kể từ khi xảy ra khủng hoảng di cư ở biên giới với EU vào mùa đông năm ngoái.
Ông Aliaksandr Kuushynau, Giám đốc điều hành cấp cao tại Gurtam (công ty cung cấp phần mềm theo dõi vị trí đội xe), cho biết rằng theo dữ liệu của công ty ông, khoảng 10.000 phương tiện của Nga và Belarus vẫn còn ở EU. Ông Kuushynau nói: “Những phương tiện này sẽ không thể về lại Nga trong vài ngày tới”.
Một nguồn tin khác trong ngành cho biết: “Đó là một tình huống khó khăn. Chúng tôi nghĩ rằng có ít nhất vài nghìn xe tải của Nga và Belarus vẫn còn ở EU”.
Ông Buczek nói rằng khoảng 3.000 xe tải của Ba Lan ở Belarus và Nga có thể gặp rủi ro nếu có hành động nào nhằm vào các xe tải của Nga và Belarus đang chờ ở biên giới Ba Lan. Ông nói: “Chúng ta nên tìm kiếm một giải pháp lành mạnh, bởi vì bất kỳ hình thức hành động quyết liệt nào của châu Âu đối với các xe tải của Nga và Belarus ở biên giới sẽ ngay lập tức gây ra đòn trả đũa đối với các xe tải của chúng ta đang trên đường hoặc trở về từ các thị trường như Mông Cổ, Kazakhstan và Uzbekistan”.
Ông Luis Gomez, Chủ tịch khu vực châu Âu của công ty XPO Logistics (một trong những công ty vận tải đường bộ lớn nhất thế giới), cho biết tình hình hiện nay có thể gây căng thẳng hơn nữa đối với lĩnh vực vận tải ở châu Âu nhưng có lẽ sẽ ít tác động hơn so với việc 100.000 lái xe Ukraine rời khỏi một ngành đã bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu nhân viên.
Trong khi đó, ngày 16/4, truyền thông Italy đưa tin nước này sẽ đóng cửa các cảng đối với tàu Nga bắt đầu từ ngày 17/4, bao gồm cả những tàu đã đổi cờ từ ngày 24/2. Các tàu Nga đang neo đậu tại các cảng của Italy sẽ phải lập tức rời đi khi kết thúc hoạt động thương mại.
Tương tự, giới chức Hải quân Romania ra thông cáo báo chí tuyên bố, bắt đầu từ ngày 17/4, các tàu mang cờ Nga sẽ bị cấm cập các cảng của Romania, ngoại trừ các tàu có mục đích cứu hộ nhân đạo và vận chuyển năng lượng. Trước đó, hôm 15/4, Bỉ cũng ban hành lệnh cấm tương tự.
Ngày 13/4, Anh cho biết nước này đã bổ sung thêm 206 cá nhân, trong đó có công dân Nga, vào danh sách trừng phạt mà London cho là liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo danh sách đã được cập nhật trên trang thông tin của Chính phủ Anh, trong số những cá nhân mới được bổ sung có người đứng đầu công ty dầu khí Lukoil của Nga - ông Vagit Alekperov - và một số quan chức khác của nước này. Bên cạnh đó, trong danh sách mới còn có các nhà lãnh đạo vùng Donetsk và Luhansk ở Ukraine.
Trong số các biện pháp trừng phạt có lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Dự kiến, Chính phủ Anh cũng sẽ tiến tới cấm nhập khẩu các sản phẩm sắt và thép cũng như xuất khẩu công nghệ lượng tử, vật liệu tiên tiến và các mặt hàng cao cấp cho Nga.
Cùng ngày 13/4, Chính phủ Thụy Sĩ cho biết nước này ủng hộ vòng trừng phạt mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga và Belarus. Theo đó, Thụy Sĩ bổ sung thêm 200 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt.
Tuần trước, Thụy Sĩ thông báo đóng băng 7,5 tỷ franc Thụy Sĩ tài sản của công dân Nga. Tuy nhiên, không giống như các quốc gia khác, nước này không trục xuất nhà ngoại giao Nga nào.
Nước láng giềng Liechtenstein của Thụy Sĩ cũng ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU và cho biết tuần trước đã phong tỏa khoảng 260 triệu franc Thụy Sĩ liên quan đến Nga.
Trước đó, ngày 8/4, EU đã chính thức thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm nhập khẩu than đá, gỗ, hóa chất và tất cả các giao dịch với 4 ngân hàng Nga.