Đây là cáo buộc mà một luật sư đại diện cho 2 hạt ở bang Ohio, đưa ra khi tham gia phần tranh tụng mở đầu phiên tòa liên quan trách nhiệm các công ty trên trong vấn nạn lạm dụng thuốc giảm đau ở Mỹ, diễn ra tại Cleveland ngày 4/10.
Phát biểu trước bồi thẩm đoàn liên bang, luật sư Mark Lanier cho rằng các chuỗi nhà thuốc trên phải chịu trách nhiệm dẫn tới tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau tại các hạt Lake và Trumbull của bang Ohio. Luật sư này cho rằng 4 công ty bị nêu tên trong vụ kiện, trong đó có cả Walgreens Boots Alliance Inc và Giant Eagle Inc, đã bán thuốc một cách vô trách nhiệm, như bán hàng rong, dù những công ty này đáng lẽ phải đóng vai trò như "tuyến phòng thủ cuối cùng" ngăn chặn tình trạng khách hàng mua buôn về bán trên vỉa hè. Bên cạnh đó, luật sư Lanier còn cho rằng các công ty trên đã không thuê đủ dược trình viên để thực hiện việc bán và tư vấn thuốc đúng cách, không phát hiện những dấu hiệu dù rất rõ ràng của tình trạng lạm dụng thuốc và chỉ ưu tiên việc bán đủ số thuốc được kê trong đơn khi bệnh nhân tới mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ. Đó là vì các công ty đã không thực hiện tốt từ khâu đào tạo dược trình viên để trang bị cho họ những công cụ và kỹ năng cần thiết khi bán và tư vấn thuốc.
Về phần mình, luật sư đại diện của hãng Walgreens, phản biện rằng các chuỗi nhà thuốc không phải chịu trách nhiệm về tình trạng lạm dụng thuốc giảm đau mà đó phải là trách nhiệm của những đầu mối khác, trong đó phải kể đến các bác sĩ kê đơn và các cơ quan quản lý quy định giảm đau là một liệu pháp quan trọng trong quá trình điều trị. Theo luật sư này, các dược trình viên không phải là những người tạo ra nhu cầu, họ không có tác động tới các bác sĩ trong kê đơn thuốc. Hầu hết các vụ phát hiện sử dụng thuốc giảm đau opioid sai mục đích không liên quan các nhà thuốc. Luật sư này còn dẫn một nghiên cứu chỉ ra hầu hết thuốc giảm đau được kê đơn cuối cùng đều không được sử dụng trước khi bị đưa đến những chỗ sử dụng sai mục đích ban đầu.
Phiên tòa sẽ tiếp tục trong ngày 5/10 với các lượt tranh tụng của đại diện các công ty khác. Tất cả các chuỗi nhà thuốc đều phủ nhận cáo buộc, cho rằng những kẻ phạm tội đã mua được thuốc giảm đau từ những nguồn khác như các nhà máy sản xuất, các bác sĩ "rởm" và những đường dây buôn lậu thuốc
Chính quyền các địa phương và các bang tại Mỹ đã thực hiện hơn 3.300 vụ kiện để buộc các công ty phải chịu một phần trách nhiệm gây ra vấn nạn lạm dụng thuốc giảm đau tại nước này. Các dữ liệu chính thức từ Chính phủ Mỹ cho thấy vấn nạn này đã dẫn tới gần 500.000 ca tử vong do sốc thuốc trong giai đoạn từ năm 1999-2019. Các chuỗi nhà thuốc đến nay vẫn chưa từng bị đưa ra xét xử về vấn đề này. Nếu bồi thẩm đoàn cho rằng các công ty thực sự gây hại cho cộng đồng thì thẩm phán liên bang Dan Polster sẽ xác định số tiền mà các công ty cần phải bỏ ra để khắc phục hậu quả cho các cộng đồng. Thẩm phán Polster vẫn kêu gọi các bên dàn xếp.
Phiên tòa trên diễn ra sau khi 3 nhà phân phối dược phẩm lớn nhất của Mỹ- các đầu mối cung cấp thuốc cho các nhà thuốc -gồm McKesson Corp, Cardinal Health Inc và AmerisourceBergen Corp- và hãng sản xuất dược phẩm Johnson& Johnson hồi tháng 7 đề xuất chi trả khoảng 26 tỷ USD để dàn xếp các vụ kiện nhằm vào nhóm này.