"Bạn đồng hành" cùng ly hôn
Li Huan (34 tuổi) quê ở tỉnh An Huy là một bà mẹ đơn thân có cậu con trai bảy tuổi. Wang Jie, bạn thân của Li Huan cũng là một bà mẹ đơn thân đã li hôn. Được biết họ đã là bạn thân của nhau gần hai thập kỷ. Tháng 8 năm ngoái, Wang Jie đưa con chuyển đến nhà Li Huan sống và đưa cho Li Huan 2.000 nhân dân tệ (gần 7 triệu đồng) làm sinh hoạt phí mỗi tháng.
Kể từ khi ly hôn vào 7 năm trước, Li Huan nhìn lại sáu tháng sống cùng người "Dazi" (có thể hiểu là "bạn đồng hành") của mình, cô cho hay: "Điều này đơn giản và hạnh phúc hơn nhiều so với cuộc sống hôn nhân. Chúng tôi tán gẫu và tâm sự với nhau về mọi thứ".
Li Huan nói thêm rằng cô và Wang Jie không chia sẻ tài sản, họ sống cùng nhau giúp giảm chi phí sinh hoạt, đồng thời mang lại giá trị tình cảm cho nhau. Trong căn hộ của họ, những chiếc tất bẩn không còn vương vãi khắp nhà, phòng ốc sạch sẽ, ấm cúng và việc nhà được chia sẻ.
Những "bạn đồng hành ly hôn" như Li Huan và Wang Jie không phải là hiếm ở Trung Quốc. Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội nước này có rất nhiều người ủng hộ mô hình nói trên và gọi đó là "cuộc sống lý tưởng".
Văn hóa dazi giờ đây đã trở thành một từ thông dụng trên internet ở Trung Quốc, khi nhiều người đang bắt đầu tìm kiếm bạn đồng hành ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Dazi không phải là một thuật ngữ mới ở Trung Quốc. Khái niệm này đề cập đến những người có chung sở thích và thường xuyên cùng làm những việc giống nhau.
Tháng 12/2023, tờ Nhân dân Nhật báo của nhà nước Trung Quốc đã đưa ra danh sách mười từ thông dụng hàng đầu của Trung Quốc được bình chọn bởi tạp chí ngôn ngữ học Yaowen Jiaozi đưa ra cho dazi một định nghĩa mới: "sự đồng hành vững chắc", "sự tương tác xã hội không căng thẳng" và "được kiểm soát trong phạm vi đáp ứng nhu cầu cụ thể".
Theo báo cáo công bố tháng 6/2023 của Just So Soul, một tổ chức tư vấn của công ty chủ yếu nghiên cứu về giới trẻ, gần 90% thanh niên đã nghe nói về văn hoá dazi và hơn 60% thanh niên bày tỏ rõ ràng ý định tìm kiếm một dazi. Văn hóa Dazi đã dần thấm vào mọi khía cạnh của đời sống thế hệ trẻ. Trong một số trường hợp, dazi được coi là một phần thiết yếu của cuộc sống và thậm chí có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tương lai của một cá nhân.
Li Rui, một bà mẹ đơn thân thuộc thế hệ 9X ở Trùng Khánh cho biết, cô đã tìm thấy những "bạn đồng hành" đã ly hôn như mình và họ thường cùng đưa bọn trẻ ra ngoài chơi. Những người bạn này đáp ứng nhu cầu bầu bạn đồng thời giúp cô linh hoạt hơn trong việc sắp xếp cuộc sống và lịch trình của mình. Li Rui hài lòng với cuộc sốnh hiện tại và nói rằng cô không có ý định hay thấy cần thiết phải kết hôn lần nữa.
Li Huan thừa nhận mặc dù tình bạn 20 năm của họ giúp cô và Wang Jie sống cùng nhau dễ dàng hơn, nhưng cô tin rằng việc những người bạn đồng hành ly hôn kết nối với nhau sẽ trở nên phổ biến hơn ở Trung Quốc, vì "những thách thức của hôn nhân, đặc biệt là cuộc hôn nhân thứ hai, quá khó vượt qua". Những người bạn đã ly hôn mang lại cho họ sự đồng hành đơn giản và hiệu quả hơn, chỉ cần như vậy là đủ.
"Bạn đồng hành" cùng nghỉ hưu
Ngược lại với những người đã ly hôn, ngày càng có nhiều thanh niên Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch nghỉ hưu sớm vì họ không muốn kết hôn và lập gia đình. Những thanh niên này đang tìm kiếm những dazi cùng lập kế hoạch nghỉ hưu trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Một blogger 9X tự nhận mình theo chủ nghĩa DINK (thu nhập gấp đôi, không có trẻ em) đã chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu vào đầu năm nay về kế hoạch gây quỹ cộng đồng để xây dựng một cộng đồng hưu trí ở khu vực Dãy núi Yimeng, tỉnh Sơn Đông. Ý tưởng này được nhiều cư dân mạng đón nhận nồng nhiệt, với hơn 300 người tham gia vào nhóm của blogger này chỉ trong hai tuần.
Một số cư dân mạng sau thuộc Gen Z thì cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi cộng đồng và hy vọng rằng nó sẽ sẵn sàng vào thời điểm họ nghỉ hưu. Một bạn trẻ nói: "Điều này thật tuyệt vời. Lần tới khi bố mẹ giục tôi kết hôn, tôi sẽ cho họ xem cái này và nói rằng tôi đã có kế hoạch B".
Nhà xã hội học Trung Quốc Ai Jun cho biết, thế hệ trẻ ngày càng tập trung nhiều hơn vào bản thân và nhu cầu của họ. Không giống như thời cha mẹ, họ không còn nghĩ rằng việc kết hôn, mua nhà và sinh con là cần thiết. Những giá trị như sự cho đi, trách nhiệm và sự hy sinh vốn được đánh giá cao trước đây sẽ bị thách thức, quan điểm truyền thống về gia đình cũng sẽ dần mai một.
Tan Gangqiang, người đứng đầu trung tâm tư vấn tâm lý ở Trùng Khánh nói trong một cuộc phỏng vấn rằng thực tế cấu trúc gia đình siêu ổn định của Trung Quốc sẽ thay đổi. "Văn hóa dazi" chỉ là cách mà giới trẻ đối phó với tương lai không chắc chắn, nó cũng là một xu hướng không chỉ phù hợp với những giá trị đang thay đổi mà còn có thể giải quyết các vấn đề hiện tại.
Lee Tsung-Yi, một học giả Đài Loan kiêm phó giáo sư tại Đại học An Huy, cũng cho rằng "sự không chắc chắn" là lý do đằng sau sự nhiệt tình tìm kiếm dazi của thế hệ trẻ .
Lee phân tích rằng thế hệ sau 9X và 10X của Trung Quốc lớn lên trong một môi trường tương đối tốt và ổn định. Nhưng giờ đây khi đã bước vào xã hội, cả bối cảnh toàn cầu và sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đều đang phải đối mặt với những thay đổi lớn, và những thanh niên này chưa được chuẩn bị để đối phó với những bất ổn lâu dài. Tìm dazi có thể là một cách để họ đối phó với áp lực xã hội.