Trên đây là nhận định của ông Ted Kennedy Jr, đồng chủ tịch Disability Equality Index - tổ chức chuyên cung cấp các dữ liệu phân tích liên quan tới lao động khuyết tật.
Theo ông Kennedy Jr., người cũng là thành viên ban quản trị Hiệp hội người khuyết tật Mỹ, các mô hình làm việc kết hợp và làm việc từ xa cung cấp những điều kiện phù hợp mà nhiều người khuyết tật từng mong muốn có được nếu có việc làm. Do đó, việc ngày càng nhiều công ty áp dụng những mô hình này và có thể dần chuyển hướng áp dụng lâu dài sẽ cho phép thêm nhiều người khuyết tật tham gia vào lực lượng lao động.
Ông Kenedy Jr khẳng định việc đưa người khuyết tật vào lực lượng lao động có thể sẽ là một “chương mới” trong trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, cùng những dẫn chứng khẳng định các công ty tuyển dụng người khuyết tật đang hoạt động hiệu quả.
Ông Kenedy Jr, một bệnh nhân đã vượt qua căn bệnh ung thư xương khi còn nhỏ và không may bị mất đi cánh tay, dẫn một nghiên cứu thực hiện năm 2018 về các công ty đã mời người khuyết tật làm việc. Nghiên cứu do hãng tư vấn Accenture phối hợp với mạng lưới Disability và Hiệp hội người khuyết tật Mỹ thực hiện với hàng trăm công ty tham gia sáng kiến tuyển dụng người khuyết tật và so sánh với những công ty khác không tham gia sáng kiến này. Kết quả chỉ ra các doanh nghiệp thuộc nhóm một có lợi nhuận cao hơn khoảng 30%, doanh thu cũng cao hơn và có gấp 4 khả năng vượt đối thủ về tiêu chí tổng chi trả cổ tức cao hơn.
Hiện có trên 1 tỷ người trên thế giới không may có những khiếm khuyết về cơ thể. Đây sẽ là một lực lượng lao động dồi dào nếu họ được cung cấp những điều kiện phù hợp để làm việc. Ví dụ, làm việc từ xa sẽ rất phù hợp với những người bị khuyết tật các chức năng vận động, đi lại. Theo ông Kenedy Jr, nhiều nhà tuyển dụng tại Mỹ đang cân nhắc mời người khuyết tật tham gia những việc làm phù hợp trong bối cảnh thị trường lao động đang thiếu nhân lực.