Theo báo cáo, số lượng tỷ phú trên thế giới đã tăng 7% lên 2.544 người. Tổng giá trị tài sản của họ cũng ước tính tăng 9% lên khoảng 12.000 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo của UBS, lần đầu tiên kể từ khi nghiên cứu bắt đầu vào năm 2015, các tỷ phú tích lũy được nhiều tài sản thông qua thừa kế hơn là thông qua hoạt động kinh doanh của chính họ.
Trong số 137 tỷ phú mới, 53 người là tỷ phú thừa kế với tổng giá trị thừa kế 150,8 tỷ USD trong năm ngoái. Con số trên vượt xa tổng số 140,7 tỷ USD của 84 tỷ phú tự thân mới.
UBS cho biết, việc chuyển giao tài sản qua các thế hệ đang trên đà tăng trưởng khi các tỷ phú ngày càng có nhiều tiền để truyền lại cho hậu thế.
Ông Benjamin Cavalli, người đứng đầu bộ phận khách hàng chiến lược tại nhánh quản lý tài sản UBS Global Wealth Management, cho biết xu hướng này sẽ phổ biến hơn trong 20 năm tới, khi trên 1.000 tỷ phú chuyển lại số tiền ước tính 5.200 tỷ USD cho con cái họ.
Nghiên cứu nêu bật sự suy yếu của xu hướng tỷ phú tự thân. Xu hướng này được tạo ra nhờ sự bùng nổ của ngành công nghệ và tiêu biểu với sự nổi lên của ông chủ Tesla Elon Musk và người sáng lập Amazon Jeff Bezos.
Tuy nhiên, đà phát triển của xu hướng này đã tạm dừng khi nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp - những người cũng được hưởng lợi từ việc mở rộng thị trường tài chính, giá bất động sản tăng và sự tăng trưởng của các thị trường mới nổi - già đi và chuyển giao tài sản của họ cho thế hệ tiếp theo.
UBS cho biết số lượng đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng giảm vào năm 2022 và đầu năm 2023 cũng đã hạn chế cơ hội để các doanh nhân xác định giá trị doanh nghiệp của họ.
Tuy nhiên, bất chấp khối tài sản thừa kế lớn, điều này không nhất thiết có nghĩa với sự xuất hiện một thế hệ siêu giàu mới ở độ tuổi 20. Báo cáo của UBS cho biết một phần đáng kể các tỷ phủ thừa kế ở độ tuổi trên 50, hoặc họ cũng đã khá cao tuổi khi tiếp quản khối tài sản.