Theo trang Oddity Central (Anh), hôm 21/7, chương trình "Hatori Shinichi Morning Show" của đài truyền hình Asahi Nhật Bản đã giới thiệu về xu hướng sống thử kiểu mới của các cặp đôi trẻ ở Nhật Bản, những người muốn sống tách biệt hoặc buộc phải sống cách xa nhau trong đại dịch COVID-19.
Khi "sống thử từ xa", các cặp đôi sẽ gọi điện cho nhau qua các ứng dụng gọi video miễn phí, như Line hoặc Skype, để giữ liên lạc trong nhiều giờ, thậm chí suốt đêm. Một cặp đôi xuất hiện trong chương trình mở ứng dụng cả đêm để có thể "thức dậy cùng nhau" và chỉ tắt nó khi làm việc. Bằng cách này, họ cảm thấy như luôn ở bên nhau, mặc dù một người sống ở Tokyo và người kia ở tỉnh Ibaraki.
Sống thử từ xa không yêu cầu phải trò chuyện liên tục, thậm chí không cần phải tương tác. Họ vẫn có thể làm những công việc riêng của mình, nhưng việc bật ứng dụng gọi video trong thời gian đó sẽ khiến cả hai cảm thấy được kết nối và cảm giác bên nhau. Chỉ cần nghe thấy âm thanh từ hoạt động của người kia, chẳng hạn tiếng máy sấy tóc, rửa bát đĩa hoặc xem TV sẽ khiến các cặp đôi cảm thấy dễ chịu hơn.
Một trong những ưu điểm của trào lưu “sống thử từ xa” đó là tính độc lập. Các cặp đôi sẽ không cảm thấy bị áp lực phải làm những gì đối phương muốn, mỗi người có thể làm việc theo thói quen của riêng mình và vẫn cảm thấy gần gũi với nhau. Một số thậm chí còn xem phim cùng nhau, hoặc ăn tối cùng nhau theo cách này.
"Sống thử từ xa" đã không còn tồn tại trong văn hóa Nhật Bản trong một thời gian dài. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát đã đưa nó quay trở lại và trở nên phổ biến hơn, khi những hạn chế phòng dịch đã buộc nhiều người phải sống tách biệt và tìm cách duy trì kết nối.
Mặc dù “sống thử từ xa” dường như là giải pháp hiệu quả để giúp các cặp đôi yêu xa gắn bó hơn trong thời kỳ đại dịch, nhưng một số người và các chuyên gia tình yêu lại cho rằng điều này giống như một hình thức giám sát đối phương.
"Tôi nghĩ xu hướng này chỉ thú vị khi bạn mới yêu, nhưng khi những cảm xúc mãnh liệt đó dần phai nhạt, việc liên lạc thường xuyên sẽ khiến đối phương cảm thấy nhàm chán và có thể dẫn đến chia tay. Mối quan hệ sẽ kết thúc trong tình trạng như bị giám sát", bình luận viên Toru Tamagawa của đài Asahi, nhận định.