Điều này cho thấy con người đang quan tâm nhiều hơn không chỉ tới những đồ ăn có lợi cho sức khỏe, không chứa thành phần biến đổi gen, mà còn cả những loại thực phẩm có tính "trách nhiệm cao" đối với môi trường và khí hậu.
Mặc dù SIAL, hội chợ thực phẩm lớn nhất thế giới diễn ra hai năm một lần tại Paris (Pháp), không được tổ chức như dự định do đại dịch COVID-19, song ban tổ chức hội chợ vẫn đánh giá và trao thưởng cho các sản phẩm sáng tạo và mang nhiều giá trị cho đời sống như thông lệ hơn 50 năm lịch sử tổ chức hội chợ này.
Trong số 500 sản phẩm mới được thử nghiệm - từ tỏi đen đến chả thịt -Ban giám khảo của SIAL hết sức ấn tượng khi xem các sản phẩm giàu thực vật, đơn giản và có nguồn gốc sạch, bởi họ cho rằng những loại thực phẩm đó tốt hơn cho sức khỏe với ít chất phụ gia, ít thành phần biến đổi gen và được phát triển theo các quy chuẩn có lợi cho môi trường và xã hội.
Huy chương vàng cho sự đổi mới của SIAL thuộc về món bánh Gnocchi đông lạnh của công ty Bocon, Italy, với thành phần chứa 70% là rau, bao gồm rau chân vịt, tảo xoắn cùng với đậu Hà Lan và trà xanh. Triumph, một công ty chế biến thực phẩm của Pháp, đã giành được huy chương đồng cho món kẹo cao su thuần chay không đường hoặc aspartame (một chất làm ngọt nhân tạo không chứa đường saccharide). Loại kẹo này được làm bằng cao su tự nhiên của cây hồng xiêm và có khả năng bị phân hủy trong vòng ba tuần, một tin tốt cho những người dọn dẹp ghế trong trường học và rạp chiếu phim.
Tuy nhiên, bao bì đóng gói các sản vẫn đang là vấn đề khiến quá trình chuyển đổi vì môi trường chậm lại đáng kể. Thủ phạm chính là nhựa, loại vật liệu đã trở lại mạnh mẽ do những lo ngại của người tiêu trong thời kỳ bùng nổ đại dịch COVID-19.
Xu hướng sử dụng các sản phẩm thực phẩm bình dân với cách chế biến mới tạo ra những hương vị mới đã giúp chống lãng phí đáng kể. Ví dụ, bánh quy được làm bằng ngũ cốc đã qua sử dụng của các nhà sản xuất bia đang trở nên phổ biến.
Công ty Koko Joo của Thụy Sỹ đã giành được giải thưởng khởi nghiệp của SIAL cho sản phẩm đồ uống không cồn làm từ vỏ hạt ca cao. Giải thưởng Ecotrophelia dành cho sinh viên ngành công nghiệp thực phẩm châu Âu được trao cho hai thanh niên người Bồ Đào Nha với món tráng miệng làm từ aquafaba, một chất lỏng sền sệt thu được khi đậu gà đã nấu chín và rất giàu protein. Họ đã kết hợp nó với vỏ cam và phấn hoa ong, cùng các thành phần khác.
Dominique Ladeveze, người điều phối giải thưởng trên cho hay, món tráng miệng này kết hợp sự phát triển bền vững và sức khỏe, bởi nó sử dụng lê và các loại rau củ giàu carbohydrate, có thể dùng được cho các bệnh nhân tiểu đường. Ông nói thêm, một xu hướng của thế hệ trẻ là sử dụng những nguyên liệu không quá đắt đỏ và thông qua cách chế biến để gia tăng giá trị cho loại nguyên liệu đó.
Một giải nhì nữa được trao cho đội đến từ Hy Lạp với một loại bánh mì làm từ bột mì trộn với bã ô liu cùng trái cây và rau quả.
Xavier Terlet, người đứng đầu nhóm Proteines XTC, chuyên theo dõi xu hướng thị trường cho SIAL, cho biết cuộc khủng hoảng COVID-19 đã củng cố một số xu hướng, bao gồm cả việc thúc đẩy các loại thực phẩm giá cả phải chăng và các sản phẩm thay thế thịt.
Ông Terlet nói thêm, triển vọng kinh tế toàn cầu còn khá u ám do dại dịch, bởi vậy nhiều sản phẩm được giới thiệu lại SIAL sẽ được bán với giá thấp nhất có thể. Theo ông, các sản phẩm thay thế thịt và cá từ thực vật sẽ tiếp tục thịnh hành. Tuy nhiên, ông Ladeveze cho rằng điều đó thật mỉa mai. Ông nói: "Khi bạn thấy tất cả những nỗ lực được thực hiện để tạo ra một món ăn thay thế thịt nhưng phải giống với thịt, mặc dù chúng được dành cho khách hàng thuần chay, bạn sẽ tự hỏi tại sao họ phải mất công vậy chỉ để sao chép một sản phẩm từ động vật".