Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Paulissen phát biểu tại buổi gặp mặt gia đình những nạn nhân xấu số tại thành phố Nieuwegein, Hà Lan ngày 17/7: “Các nhân chứng mới đã liên lạc với chúng tôi. Hoạt động điều tra vẫn tiếp tục, điều này rất đáng khích lệ”.
Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines - lộ trình từ Amsterdam đến Kuala Lumpur – đã bị bắn rơi tại tỉnh Donest ở miền Đông Ukraine ngày 17/7/2014. Vụ tai nạn thảm khốc khiến toàn bộ 283 hành khách và 15 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Các nạn nhân là công dân của 10 quốc gia khác nhau. (Xem video hiện trường vụ tai nạn MH17. Nguồn: CNN)
Nhóm điều tra quốc tế chung về vụ rơi máy bay MH17 bao gồm các điều tra viên của Hà Lan, Australia, Bỉ, Malaysia và Ukraine. Ngày 24/5/2018, nhóm điều tra tuyên bố chiếc máy bay xấu số đã bị bắn hạ bởi một quả tên lửa Buk Telar thuộc sở hữu của Lữ đoàn tên lửa phòng không số 53 của Quân đội Nga đóng ở khu vực Kursk (thuộc lãnh thổ Nga).
Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ toàn bộ thông tin trên đồng thời khẳng định chưa từng có hệ thống tên lửa nào của Nga bị đem ra nước ngoài. Chỉ huy lực lượng tên lửa của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Nikolai Parshin cho biết quả tên lửa bắn hạ máy bay của Malaysia đã được chế tạo tại thị trấn Dolgoprudny, ngoại ô Moskva năm 1986 và chuyển cho một đơn vị quân đội ở Ukraine song chưa từng được đem về Nga.