Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, ông Hua Yawei, thành viên của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đất nước cởi mở hơn đối với những bà mẹ đơn thân và đối xử bình đẳng hơn với những đứa trẻ do phụ nữ đơn thân sinh ra.
Tại Trung Quốc đại lục, về mặt lý thuyết, phụ nữ chưa kết hôn không đủ điều kiện sinh con vì họ không thể làm giấy phép khai sinh do chính phủ cấp dựa trên giấy đăng ký kết hôn. Dù họ vẫn có thể sinh con tại các cơ sở y tế trên toàn quốc, nhưng những người phụ nữ này sẽ không được hưởng mọi quyền lợi tương tự những người đã kết hôn, như hưởng lương khi nghỉ thai sản và các khoản hoàn trả chi phí y tế khi mang thai.
Các bệnh viện ở Trung Quốc không được phép cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh sản cho những người không thể xuất trình giấy đăng ký kết hôn.
Nếu muốn đăng ký hộ khẩu thường trú cho con mình để nhận trợ cấp, các bà mẹ đơn thân cần phải trả một khoản phí, được gọi là “phí nuôi dạy trẻ xã hội”. Khoản phí này sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào sự phát triển kinh tế của mỗi khu vực mà họ sinh sống.
Ông Hua cho biết tỷ lệ sinh của Trung Quốc vào năm 2020 đã giảm 14,9% so với năm trước đó. Trong khi đó, dân số nước này chỉ tăng 480.000 người vào năm 2021. Nhiều nhà nhân khẩu học dự đoán dân số Trung Quốc sẽ sớm tăng trưởng âm.
Vị đại biểu này cũng chỉ ra nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm. Đó là không chỉ do nhiều người ngại có con do chi phí cao, mà còn do phụ nữ độc thân không đủ điều kiện sinh con và tỷ lệ vô sinh ở Trung Quốc rất cao. Ở các đô thị, có rất nhiều nam giới và phụ nữ vẫn chưa kết hôn. Họ thường gặp khó khăn trong tìm kiếm bạn đời sau khi đạt đến độ tuổi nhất định, khoảng 25 tuổi đối với phụ nữ và 30 tuổi với nam giới.
Trong khi đó, tỷ lệ vô sinh ở Trung Quốc đã tăng từ 3,5% vào năm 1997 lên 16,4% vào năm 2019. Ước tính con số này sẽ tăng lên 18,2% vào năm 2023.
Theo ông Hua, bên cạnh việc sửa đổi luật cho phép phụ nữ độc thân trên 30 tuổi sinh con đầu lòng và được hưởng quyền lợi tương tự như các bà mẹ đã kết hôn. Ông cũng đề nghị các cơ quan chức năng “bật đèn xanh” cho các tổ chức y tế hỗ trợ phụ nữ đông lạnh trứng, mang thai hộ và sinh con. Ông cho rằng các dịch vụ sinh sản nên được đưa vào chương trình bảo hiểm y tế công.
Tháng trước, Bắc Kinh là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc mở rộng mạng lưới bảo hiểm giúp chi trả cho các công nghệ hỗ trợ sinh sản phụ nữ.
Rachel Xu, một phụ nữ độc thân 41 tuổi ở Thượng Hải, cho biết mình hoan nghênh những đề xuất của ông Hua. Người phụ nữ này cho biết cô sẽ đánh giá khả năng tự mình nuôi con nếu những đề xuất này được đưa ra thành luật.
“Tôi rất yêu trẻ con, nhưng trước đây tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc có con riêng vì tôi độc thân và luật pháp không cho phép điều đó. Tôi hy vọng xã hội của chúng ta có thể cởi mở và khoan dung hơn đối với những phụ nữ độc thân có con”, cô nói.