Xuất hiện mâu thuẫn giữa các con của ông Cađaphi

- Khoảng 60 nước tham gia hội nghị quốc tế bàn về tái thiết Libi

Trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn tại thành phố Sirte, quê hương của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, trong nội bộ gia đình ông đã xuất hiện mâu thuẫn giữa một bên muốn tiếp tục chiến đấu đến cùng để bảo vệ chế độ của ông và một bên muốn đầu hàng lực lượng chống đối.

Hình ảnh Seif al-Islam trong đoạn băng. AFP-TTXVN


Ngày 31/8, kênh truyền hình Al-Rai TV của Xyri đã phát đi một đoạn băng hình, trong đó Saif al-Islam, người con trai thứ hai của ông Gaddafi, đã thề tử thủ chống lại lực lượng nổi dậy ở Libi, đồng thời kêu gọi những người trung thành tiếp tục kháng chiến. Trong đoạn băng này,  Saif  cho biết hiện ông vẫn đang ở vùng ngoại ô thủ đô Tripoli và sẽ tiếp tục chiến đấu để "giải phóng" Quảng trường Xanh, biểu tượng quyền lực của ông Cađaphi, khỏi sự chiếm đóng của "phiến quân".  Saif  còn nói rằng hiện ở thành phố Sirte vẫn còn 20.000 tay súng trung thành và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chế độ của nhà lãnh đạo Cađaphi.
Trong khi đó, cùng ngày, kênh truyền hình al-Arabiya đưa tin Saadi, con trai thứ ba của ông Gaddafi, lại tuyên bố sẵn sàng thương lượng với lực lượng nổi dậy để chấm dứt đổ máu. Về thông tin này, ông Abdul Hakim Belhadj, người đứng đầu Hội đồng quân sự của lực lượng nổi dậy ở Tripôli cho biết chính ông đã trao đổi bằng điện thoại với Xaađi và cam kết sẽ đối xử khoan hồng nếu ông ta chịu đầu hàng.

* Hiện vẫn chưa có tin tức chính xác về nơi ẩn náu của ông Gaddafi trong khi lực lượng nổi dậy ở Libi quyết truy tìm và bắt sống ông "nhằm đưa ra xét xử và buộc ông phải chịu tội trước công lý". Tờ "El Watan" ngày 31/8 dẫn nguồn tin thân cận với Phủ Tổng thống Angiêri cho biết nhà lãnh đạo Libi này hiện đang ở thị trấn biên giới Ghadames cùng với những người còn lại của gia đình và muốn thương lượng với chính quyền Angiêri để qua biên giới vào lãnh thổ nước này. Theo nguồn tin trên, ông Gaddafi đã liên lạc với Tổng thống Angiêri Bouteflika bằng điện thoại di động, song ông Bouteflika đã từ chối nói chuyện. Đến nay, lập trường của Angiêri là "không can thiệp vào công việc nội bộ của Libi".

Hơn nữa, nguồn tin từ Phủ Tổng thống Angiêri còn tỏ ý lo ngại trước khả năng ông Gaddafi  sẽ liên kết với nhóm Al-Qeada ở Bắc Phi (AQMI), coi đó là "cứu cánh cuối cùng" để đảm bảo sự an toàn của mình.

Báo trên dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết từ ngày 30/8, Chính phủ Angiêri đã quyết định đóng cửa biên giới với Libi. Các lực lượng quân đội, hiến binh, biên phòng trên bộ và đường không cũng như hải quan đã nhận được chỉ thị để triển khai quyết định này. Lệnh đóng cửa biên giới với Libi được áp dụng triệt để cả hai chiều tại ba cửa khẩu Tinalkoum, Tarat và Debdeb.

Tướng Ahmed Gaïd, Tổng tham mưu Trưởng quân đội Angiêri, hiện đang có mặt tại vùng biên giới giáp Libi để giám sát và chỉ đạo triển khai lực lượng quân đội tại đây. Hiện Chính phủ Angiêri chưa chính thức công khai lý do của quyết định này.

Trong diễn biến liên quan, hãng ITV News cùng ngày đưa tin một lượng lớn các binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh đang được triển khai tại Libi để truy tìm ông Cađaphi, người được cho là vẫn ở trong Libi sau khi nước láng giềng Angiêri từ chối cho ông này nhập cảnh.

Một nguồn tin ở Libi nói với hãng ITV News rằng các binh sĩ SAS đang sử dụng các tàu neo đậu ngoài khơi bờ biển Libi để tiến hành tìm kiếm ông Gaddafi  cũng như mạng lưới những người ủng hộ ông này. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh ngày 31/8 đã từ chối xác nhận thông tin trên, và khẳng định chính sách của chính phủ nước này là không bình luận về những chiến dịch của các lực lượng đặc nhiệm.

Ngoại trưởng Libi Abdelati ở Tunis ngày 26/7/2011. AFP -TTXVN


* Ngày 31/8, ông Mahdi al-Harati, Phó Chủ tịch Hội đồng quân sự của lực lượng nổi dậy cho biết lực lượng này đã bắt sống Ngoại trưởng của chế độ Gaddafi , ông Abdelati al-Obeidi, tại nông trang của ông này ở khu ngoại ô Janzour, phía Tây thủ đô Tripôli. Trước đó, lực lượng nổi dậy cũng bắt giữ Abdallah al-Hijazi, một đồng minh thân cận của nhà lãnh đạo Gaddafi tại Tripôli. Ngoài ra, NTC tin rằng họ đã tiêu diệt được người con trai Khamis của ông Gaddafi  và Giám đốc Cơ quan Tình báo Libi Abdullah al-Senussi trong các vụ đụng độ.


* Liên quan tới việc chuẩn bị cho công cuộc tái thiết Libi thời hậu chiến, ngày 31/8, một phái đoàn của Liên minh châu Âu (EU) đã tới thủ đô Tripôli nhằm đánh giá nhu cầu giúp đỡ cần thiết và xem xét mở văn phòng của phái bộ EU tại Tripôli. Phái đoàn sẽ gặp đại diện của Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) hiện cũng đang có mặt tại Tripôli. EU đã mở một văn phòng nhân đạo tại thủ đô Libi và cũng đang chuẩn bị cho chuyến thăm của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton.

Theo kế hoạch, hôm nay 1/9, tại thủ đô Pari của Pháp diễn ra hội nghị quốc tế bàn việc tái thiết Libi với sự tham gia của khoảng 60 nước, trong đó lần đầu tiên Nga cử đại diện tới dự. Dự kiến, các bên có thể bàn thảo việc tài trợ cho Libi, đào tạo cảnh sát và xem xét việc công nhận về ngoại giao đối với lực lượng lên nắm quyền ở nước này.

Trước đó, ngày 29/8, EU đã đạt được thỏa thuận trên nguyên tắc về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với 6 hải cảng, 3 công ty dầu mỏ của Libi và 22 tổ chức kinh tế khác của nước này.

Ngày 31/8, 27 nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận sơ bộ trong một nỗ lực giúp Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp nối lại các hoạt động kinh tế bình thường. Các nhà ngoại giao nói họ hy vọng thỏa thuận cuối cùng sẽ đạt được vào ngày 1/9 nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt một ngày sau đó.
Hãng thông tấn ANSA của Italia dẫn lời Ngoại trưởng Franco Frattini cho biết nước này đã dỡ bỏ phong tỏa 500 triệu ơrô (722 triệu USD) tài sản của Libi cho "ban lãnh đạo mới" của quốc gia Bắc Phi này. Một ngày trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã cho phép Luân Đôn giải tỏa 1,6 tỷ USD tài sản của chế độ Gaddafi  bị phong tỏa tại Anh, để phục vụ cho hoạt động cứu trợ nhân đạo người dân Libi.

TTXVN/Tin Tức

Nga chính thức công nhận NTC là chính quyền hợp pháp của Libi
Nga chính thức công nhận NTC là chính quyền hợp pháp của Libi

Ngày 1/9, Nga đã chính thức công nhận Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp (NTC) của phe nổi dậy là chính quyền hợp pháp ở Libi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN