Các thanh sát viên hạt nhân Ukraine đã ghi nhận được mức gia tăng lớn về nồng độ phóng xạ tại nhà máy Chernobyl thuộc vùng cách ly, ngay sau khi các đám cháy rừng đã bén sát lò phản ứng hạt nhân. Kết quả đo đạc tại khu vực không để hoang Polesskoye thuộc vùng Chernobyl cho thấy không khí tại đây đã nhiễm chất phóng xạ cesium-137. Nồng độ phóng xạ trong không khí ở mức “sau điểm bình thường” (tức là hơn 10 lần thông thường), Cơ quan giám sát Hạt nhân Quốc gia Ukraine (SNRI) ngày 1/7 cho biết.
"Quan tài bê tông" đổ trùm lên lò phản ứng hạt nhân số 4. Ảnh: Reuters |
Cesium-137 là một trong những chất phóng xạ nguy hiểm nhất. Khi nhiễm vào cơ thể, chất này có thể gây ra bệnh bạch cầu. Tuy nhiên, SNRI không cho biết thông tin chi tiết về mối nguy hiểm đối với sức khỏe của những dân cư sống quanh khu vực này, cũng như tình trạng của lực lượng cứu hỏa tham gia chữa cháy gần đó. Cơ quan này cũng khẳng định, ngoài cesium-137, mọi chỉ số khác đều bình thường.
Các quan chức Ukraine cho biết, cháy rừng lan rộng trên một diện tích 130 hecta kể từ hôm 30/6. Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp cho biết, đã kiểm soát được đám cháy, nhưng chưa dập tắt hẳn được. 117 lính cứu hỏa cùng với 24 đơn vị thiết bị chữa cháy đã được huy động để xử lý vụ cháy. Đây là lần thứ hai xảy ra cháy tại vùng lân cận nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, trước đó là một vụ hồi tháng 5.
Giới khoa học cảnh báo, cháy rừng tại khu vực cách ly dân cư có thể dẫn đến những hệ quả mang tính thảm họa. Năm 2014, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã cho công bố một công trình nghiên cứu với lưu ý: Sự xuất hiện chất Cesium-137 sau một vụ cháy giả định tại khu rừng Chernobyl được xếp hạng là nguy cơ cao trong biểu mức độ nghiêm trọng của tai nạn hạt nhân theo tiêu chuẩn INES (International Nuclear Event Scale).
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl đã bị đóng cửa sau khi lò phản ứng số 4 phát nổ ngày 26/4/1986. Cư dân quanh vùng được sơ tán do nhiễm xạ hạt nhân. Người ta đã dựng lên một “quan tài bê tông” bao trùm lò phản ứng số 4 để ngăn bụi phóng xạ phát tán ra môi trường. Tuy nhiên, theo thời gian và dưới tác động của các chất phóng xạ, vỏ bọc này hiện xuống cấp.
Do hầm bê tông này chỉ có thời hạn sử dụng không quá 30 năm nên chính quyền Ukraine có kế hoạch thay thế bằng lồng thép, với độ bền vững lên đến 100 năm. Đề án dự kiến hoàn tất trong năm nay, nhưng đã phải lui thời hạn đến cuối năm 2017 vì một số lý do tài chính, kỹ thuật.