Đoạn video được gửi cho kênh truyền hình Mỹ CNN cho thấy vệt sáng di chuyển trên bầu trời từ trái sang phải màn hình rồi phát nổ, dường như trúng vật thể nào đó.
CNN chưa xác thực được đoạn video này, nhưng trong clip xuất hiện những tòa nhà có nét giống các khu vực ngoại ô Parand của Iran, nơi máy bay Ukraine rơi khiến toàn bộ 176 người thiệt mạng hôm 8/1. Cùng khoảng thời gian này, Iran tiến hành cuộc tập kích tên lửa nhằm vào hai căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq.
Xem video vật thể nghi tên lửa bắn trúng máy bay:
Đoạn video nói trên cũng được gửi tới cho báo Mỹ New York Times. Tờ báo này cho biết đã kiểm chứng được tính xác thực của video. Trong đoạn clip, vụ nổ nhỏ xảy ra khi tên lửa lao vào máy bay, nhưng chiếc phi cơ không phát nổ mà tiếp tục bay trong vài phút và tìm cách quay trở lại sân bay. Máy bay sau đó bốc cháy trước khi phát nổ và rơi nhanh chóng, theo các video khác được New York Times xác minh.
Trong khi đó, ngày 9/1, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia của Mỹ (NTSB) cho biết họ "sẽ không phỏng đoán về nguyên nhân tai nạn". NTSB khẳng định sẽ tham gia cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay Ukraine và đã cử sẵn một nhà điều tra làm đại diện.
Video từ camera giám sát an ninh cho thấy loạt mảnh vỡ máy bay rơi xuống vỡ vụn và sáng lòa:
Giới chức Mỹ hiện đang ngày càng nghi ngờ rằng Iran đã vô tình bắn hạ máy bay chở khách của Ukraine trong chiến dịch tấn công trả thù cho cái chết của Tướng Suleimani nhằm vào quân đội Mỹ. Nghi vấn này được đặt ra dựa trên những phân tích dữ liệu từ vệ tinh, rada và dữ liệu điện tử do quân đội và tình báo Mỹ thu thập được.
CNN dẫn nguồn một quan chức Mỹ thạo thông tin tình báo cho biết, chiếc Boeing 737 của hãng hàng không Ukrainian International Airlines bị bắn rơi bởi hai quả tên lửa SA-15 của Nga. Phía Mỹ đã phát hiện các tín hiệu radar của Iran "khóa" chiếc phi cơ, trước khi máy bay rơi xuống.
Đoạn video xuất hiện vài giờ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/1 tiết lộ ông có những nghi ngờ nghiêm túc về nguyên nhân sự cố kỹ thuật mà giới chức Iran đưa ra. "Chiếc phi cơ bay trong một khu vực khá rối ren. Ai đó có thể đã nhầm lẫn. Tôi có cảm giác rằng chuyện gì đó cực kì kinh khủng đã xảy ra".
Thủ tướng Canada Justin Trudeau sau đó cũng bày tỏ lo ngại, nói rằng các bằng chứng chỉ ra rằng một quả tên lửa của Iran đã bắn hạ máy bay trong một tình huống "có thể là không có chủ ý".
Canada là quốc gia chịu tổn thất lớn về người trong vụ tai nạn. Theo công bố của Bộ Ngoại giao Ukraine, danh sách các nạn nhân bao gồm 82 người Iran, 63 người Canada, 3 người Anh, 11 người Ukraine, 10 Thụy Điển, 4 Afghanistan và 4 người Đức.
Trong khi đó, hàng loạt phương tiện truyền thông Mỹ ngày 9/1 dẫn nguồn các thông tin tình báo cho biết, giới chức Lầu Năm Góc cho rằng máy bay Boeing 737-800 của hàng không Ukraine đã bị bắn rơi ở ngoại ô thủ đô Tehran của Iran bằng tên lửa phòng không M1.
Hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức quốc phòng Mỹ cho hay vệ tinh quân sự của Mỹ đã phát hiện 2 quả tên lửa phòng không được phóng lên gần khu vực sân bay quốc tế Imam Khomeni ở Tehran.
Hãng IHS Markit có trụ sở tại London (Anh) cho rằng chiếc Boeing 733-800 đã bị bắn nhầm bằng một quả tên lửa phòng không tầm ngắn A-15 Gauntlet.
Tuy nhiên, người đứng đầu Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran (ICAO) bác bỏ thông tin nói trên, cho rằng đây chỉ là tin đồn và hiện còn quá sớm để khẳng định điều này, trong khi công tác điều tra đang được xúc tiến.
Chuyến bay số hiệu PS 752 của hãng hàng không Ukrainian International Airlines, chở theo 176 người, đã rơi xuống cánh đồng ở Parand, gần Thủ đô Tehran sáng 8/1. Toàn bộ 167 hành khách và phi hành đoàn 9 người đều tử nạn. Hãng thông tấn Fars News dẫn thông báo từ giới chức Iran cho biết chiếc máy bay bị các vấn đề kỹ thuật.
Iran từng tuyên bố sẽ không để phía Mỹ và nhà sản xuất Boeing tham gia cuộc điều tra về vụ tai nạn. Tuy nhiên, ngày 9/1, người đứng đầu Ủy ban Điều tra của Iran về vụ tai nạn máy bay Ukraine, ông Hassan Rezaeifar cho biết họ đã mời nhà sản xuất Boeing của Mỹ tham gia. Hãng tin Fars cho hay Boeing đã chỉ định một người đại diện nhưng chưa xác nhận tham gia cuộc điều tra.