Theo tập đoàn thông tin năng lượng (Energy Intelligence Group) của Mỹ, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang châu Âu đã tăng trong tháng 7 vừa qua lên mức cao nhất kể từ khi ngừng cung cấp qua tuyến Nord Stream vào tháng 8/2022.
Nhà xuất khẩu khí đốt đường ống duy nhất, Gazprom do nhà nước Nga điều hành, đã cung cấp khoảng 2,7 tỷ mét khối cho châu Âu, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, vào tháng 7/2023, tăng 34% so với mức của tháng 6, Energy Intelligence Group tính toán dựa trên dữ liệu truyền tải khí đốt.
Con số này vẫn thấp hơn 32% so với lượng cung cấp của Gazprom vào tháng 7/2022, khi họ tiếp tục vận chuyển khí đốt qua đường ống ngoài khơi Nord Stream đến Đức, mặc dù khối lượng đã bị hạn chế. Gazprom đã dừng các dòng chảy của Nord Stream vào cuối tháng 8 năm ngoái và tiếp tục chỉ sử dụng hai tuyến đường ống - quá cảnh qua Ukraine và đường ống Turk Stream.
Xuất khẩu đạt mức cao nhất trong vòng 11 tháng vào tháng 7 năm nay chủ yếu nhờ sự gia tăng mạnh của dòng chảy Turk Stream cung cấp cho phía Nam và phía Đông của châu Âu. Sự gia tăng một phần do đợt nắng nóng kéo dài đã thúc đẩy nhu cầu hạ nhiệt ở miền Nam và miền Trung châu Âu.
Trong 2 tuyến đường ống cung cấp cho châu Âu, dòng chảy khí đốt Turk Stream đến châu Âu nhạy cảm hơn với sự biến động về giá và nhu cầu trong vài tháng qua so với dòng khí quá cảnh qua Ukraine cung cấp cho một số thị trường hạn chế ở trung tâm châu Âu.
Dòng chảy qua Ukraine chỉ tăng 3,9% trong tháng, trong khi xuất khẩu qua Turk Stream hướng tới châu Âu đã tăng 82% trong cùng thời điểm và tăng 5% trong năm lên khoảng 1,4 tỷ mét khối khí (Bcm).
Vào tháng 7, dòng khi đốt của Turk Stream tăng đặc biệt ở Hungary và Hy Lạp - lần lượt là 67% và 94% so với tháng trước. Turk Stream hoạt động cao hơn 7% so với công suất 15,75 Bcm/năm hướng tới châu Âu trong tháng 7.
Trong khi xuất khẩu khí đốt tăng, xuất khẩu LNG của Nga sang châu Âu giảm 18% xuống 950.000 tấn trong tháng 7, do nhà máy Yamal chủ chốt của Novatek thuộc sở hữu tư nhân tăng cường vận chuyển đến châu Á qua tuyến đường Biển Bắc về phía Đông, theo dữ liệu của Kpler.
Yamal đã cung cấp 880.000 tấn cho châu Âu vào tháng trước, giảm so với 1,03 triệu tấn trong tháng 6, trong khi xuất khẩu của họ sang châu Á tăng từ 370.000 tấn lên 650.000 tấn.
Tóm lại, cả nhu cầu và giá khí đốt tự nhiên của châu Âu đã tăng do thời tiết nóng hơn bình thường trong bối cảnh rủi ro về nguồn cung vẫn còn. Energi Danmark (tập đoàn năng lượng Đan Mạch) cho biết trong một ghi chú: “Trọng tâm dường như chuyển mạnh hơn vào thời tiết cho tháng 7, nơi nhiệt độ cao hơn mức bình thường trên khắp châu Âu làm tăng nhu cầu năng lượng cho mục đích làm mát”.