Bất chấp lệnh ngừng bắn do quân đội dàn xếp, căng thẳng vẫn gia tăng tại thành phố Kufra vùng sa mạc đông nam Libi, nơi những vụ đụng độ giữa bộ tộc Tobou và các đồng minh với người Zwai đã làm hơn 100 người thiệt mạng.
Tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Libi Yussef al-Mangush ngày 23/2 tuyên bố chính phủ sẽ điều động quân đội tới Kufra để giải quyết bạo loạn sắc tộc. Ảnh: AFP - TTXVN |
Phát biểu với AFP, viên tư lệnh Issa Abdel Majid của bộ tộc Tobou thú nhận: "Quan hệ giữa các bộ tộc vẫn rất căng thẳng trong khi người ta đang hoài nghi về thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt tình trạng thù địch". Quân đội quốc gia Libi đã thiết lập kiểm soát tại thành phố này và thương lượng ngừng bắn giữa bô lão các bộ tộc, nhưng theo AFP, các bên vẫn liên tiếp đổi lỗi và cáo buộc lẫn nhau.
Bộ tộc Tobou vốn tập trung chủ yếu ở các nước Sát và Nigiê, nhưng cũng có sự hiện diện tại Xuđăng và khu vực miền Nam Libi. Một số cư dân bản địa cho rằng chính người Tobou đã phát động cuộc tấn công vào Kufra sau khi đột nhập vào một trang trại tại đây. Luật sư kiêm nhà hoạt động chính trị Al-Senussi Salim Al-Qimi, hiện là thành viên ủy ban bầu cử địa phương, cho biết kể từ sau cuộc cách mạng lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi hồi năm ngoái, thành phố Kufra với 40.000 dân đã rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị, không chính quyền và không an ninh.
Từ tháng 2/2012, Chính phủ Libi đã điều động quân đội tới thành phố sa mạc này để giải quyết cuộc xung đột đẫm máu giữa hai bộ tộc Tubu và Zwai. Theo một số nhà quan sát, bộ tộc Tobou - những người da đen, hiện sinh sống ở miền Đông Nam Libi và tại Sát, Xuđăng và Nigiê, từng là nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử dưới chế độ của cố lãnh đạo Libi Moamer Kadhafi. Trong khi đó, bộ tộc Zwai, từ lâu đã bất hòa sâu sắc với bộ tộc Tobou, cáo buộc người Tobou gây ra các cuộc tấn công tại Kufra với sự hậu thuẫn của lính đánh thuê tới từ Sát.
Trần Long