Phát biểu với báo giới sau ngày họp đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ), bà von der Leyen cho biết khối này dự định ký kết thỏa thuận trị giá 40 triệu euro với các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) và dành 10 triệu euro để hỗ trợ việc cung cấp viện trợ qua Ai Cập. Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, EU đã chi 75 triệu euro cho mục đích này kể từ khi xung đột nổ ra ngày 7/10.
Tuy nhiên, thông cáo về kết quả của hội nghị thượng đỉnh liên quan cuộc xung đột ở Trung Đông cho thấy các nhà lãnh đạo EU đã không thể đàm phán về một lời kêu gọi ngừng bắn giữa Israel và Hamas, thay vào đó chỉ kêu gọi tạm dừng giao tranh vì mục đích nhân đạo và mở các hành lang nhân đạo ở Dải Gaza.
Trong khi đó, cùng ngày, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) cho biết trong 4 ngày qua chỉ có 62 xe tải đi qua cửa khẩu Rafah để vào Dải Gaza, trong khi lượng xe trung bình trước khi xảy ra xung đột lên tới 500 xe/ngày.
Theo OCHA, lượng hàng viện trợ mới nhất gồm nước, thực phẩm, vật tư y tế được vận chuyển bằng xe tải đã được phân phối đến các cơ sở y tế và những người phải di dời ở Gaza. Do Israel vẫn cấm nhiên liệu - vốn rất cần để chạy máy phát điện dự phòng, vào Dải Gaza, nên Cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) gần như cạn kiệt nguồn nhiên liệu dự trữ và bắt đầu giảm đáng kể hoạt động của mình.
OCHA ước tính khoảng 1,4 triệu trong số hơn 2 triệu người sinh sống ở Gaza phải di dời trong nước, trong đó có 629.000 người phải sinh sống tại 150 cơ sở trú ẩn khẩn cấp do UNRWA chỉ định. Các cơ sở này hiện đều trong tình trạng quá tải, gấp gần 3 lần công suất cho phép.
Nguồn cung cấp nước ở các khu vực phía Nam Wadi Gaza tạm thời được cải thiện sau khi UNRWA và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) chuyển một lượng nhỏ nhiên liệu lấy từ nguồn dự trữ của các tổ chức này đến các cơ sở quan trọng. Tuy nhiên, lượng nhiên liệu dự trữ này được cho là sẽ sớm cạn kiệt, kéo theo nguồn cung cấp nước sẽ lại bị ngừng.