Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Blinken chia sẻ: “Ngay tại Jordan, chúng tôi đang thấy một tuyến đường trực tiếp từ Jordan đến miền Bắc Gaza thông qua Erez. Những chuyến hàng đầu tiên sẽ khởi hành trong hôm nay”. Theo ông, “đó là một bước tiến thực chất và quan trọng, song vẫn còn rất nhiều việc cần làm” để đảm bảo viện trợ đến tay người dân Gaza một cách liên tục.
Cũng theo Ngoại trưởng Mỹ, trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 1/5, ông sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo nước chủ nhà về các biện pháp mà Israel vẫn cần phải triển khai để mở rộng luồng viện trợ vào Gaza.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Blinken được đưa ra khoảng 1 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gửi lời cảnh báo cứng rắn tới Thủ tướng Netanyahu, trong đó nêu rõ Washington sẽ thay đổi chính sách nếu Israel không triển khai các biện pháp giải quyết mối nguy hiểm đối với dân thường, cuộc khủng hoảng nhân đạo và vấn đề an toàn của đội ngũ nhân viên cứu hộ.
Ngoại trưởng Mỹ đang tiến hành chuyến công du thứ 7 tới Trung Đông kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Hamas-Israel hồi tháng 10/2023.
* Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng đưa ra nhận định tương tự, đồng thời đề nghị Israel thực hiện đúng lời hứa mở “2 điểm giao cắt giữa Israel và miền Bắc Gaza, để hàng viện trợ có thể được đưa vào Gaza từ cảng Ashdod và Jordan”.
Theo ông Guterres, trở ngại lớn trong công tác phân phối viện trợ trên khắp Gaza là tình trạng an ninh không đảm bảo cho đội ngũ nhân viên cứu trợ và dân thường. Người đứng đầu LHQ nêu rõ: “Tôi một lần nữa kêu gọi chính quyền Israel cho phép, tạo điều kiện tiếp cận an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở dành cho hàng hóa cũng như các nhân viên cứu trợ, trong đó có Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của LHQ dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA), trên khắp Gaza”.
* Cũng trong ngày 30/4, Tổng Thư ký Guterres đã kêu gọi Israel không tấn công thành phố Rafah ở miền Nam Gaza, sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ xúc tiến chiến dịch này, bất chấp thỏa thuận con tin đang chờ xử lý với Hamas.
Phát biểu với các phóng viên, ông Guterres đánh giá chiến dịch tấn công quân sự vào Rafah sẽ “là bước leo thang không thể chấp nhận được, sát hại thêm hàng nghìn dân thường và buộc hàng trăm nghìn người phải chạy trốn”.
Ngoài ra, ông Guterres còn bày tỏ lo ngại trước thông tin về các ngôi mộ tập thể được phát hiện ở Gaza, trong đó có 2 bệnh viện. Tổng Thư ký LHQ cho rằng những người được chôn ở đó đã bị sát hại một cách bất hợp pháp và yêu cầu mở cuộc điều tra độc lập về vụ việc này.