Phát biểu trước báo giới ngày 3/5, người phát ngôn Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (OCHA) Jens Laerke cho biết bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn hơn đối với hơn 1,2 triệu người Palestine chạy nạn đang cư trú tại đây. Theo ông, tấn công quân sự vào Rafah đe dọa tính mạng của hàng trăm nghìn người, là cú đánh mạnh vào hoạt động nhân đạo ở toàn bộ Dải Gaza.
Cùng thời điểm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan này đã lập ra kế hoạch dự phòng có tên gọi “Cứu giúp” (Band-Aid) để sẵn sàng ứng phó với một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn tiềm tàng nhằm vào Rafah. Đại diện WHO tại vùng lãnh thổ chiếm đóng Palestine Rik Peeperkorn nhận định kế hoạch này chỉ là tạm thời và sẽ không đủ sức để ngăn chặn thảm họa nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn do hệ quả của tấn công quân sự.
Ông Rik Peeperkorn cảnh báo tấn công quân sự vào Rafah sẽ tạo ra làn sóng chạy nạn mới, gây tình trạng quá tải tập trung đông người, giảm khả năng tiếp cận về lương thực, nước uống và người dân và tăng nguy cơ bùng phát bệnh dịch. Hệ thống y tế yếu kém tại Gaza sẽ không thể chống đỡ nổi mức độ hủy hoại mà việc tấn công quân sự vào Rafah gây ra.
Theo thống kê của WHO, tính đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 12 trên tổng số 36 bệnh viện và 22 trên tổng số 88 cơ sở chăm sóc y tế tại Gaza còn hoạt động với một phần công suất.