Bloomberg dẫn các nguồn tin giấu tên nêu rõ cuộc gặp ở Riyadh cũng có thể có sự tham gia của Ngoại trưởng Anh David Cameron và các quan chức chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU), Jordan, Ai Cập và Qatar cũng như Chính quyền Palestine (PA). Các quan chức Israel, quốc gia không có quan hệ ngoại giao với Saudi Arabia, và Hamas được cho là sẽ không tham dự.
Washington thất vọng vì cho rằng Israel thiếu kế hoạch cho tình hình thời hậu chiến ở Gaza và việc Thủ tướng Benjamin Netanyahu không sẵn sàng thảo luận các bước đi hướng tới giải pháp hai nhà nước với Palestine. Theo Bloomberg, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Qatar đã phát đi tín hiệu rằng họ sẵn sàng hỗ trợ tài chính cho việc tái thiết Gaza nếu Israel chấp nhận đàm phán về quy chế nhà nước của Palestine. Kế hoạch này nhận được sự ủng hộ rộng rãi của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Cairo, hai nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết quốc gia Bắc Phi này đã yêu cầu tổ chức cuộc họp tiếp theo với Israel trong một nỗ lực mới nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và trao đổi con tin.
Theo các nguồn tin trên, các quan chức Ai Cập, Israel và Mỹ đã tổ chức các cuộc gặp trực tiếp và trực tuyến trong ngày 24/4 để tìm kiếm sự nhượng bộ nhằm phá vỡ bế tắc của các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng về một lệnh ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hamas. Ai Cập cho rằng Israel đã thể hiện thiện chí hơn trong việc cho phép người dân Gaza di tản trở về nhà của họ ở phía Bắc Gaza theo cách hạn chế các thủ tục và kiểm tra an ninh. Khả năng dân thường quay trở lại phía Bắc Gaza mà không bị cản trở và việc rút lực lượng hoặc tái bố trí lực lượng Israel đã trở thành những vấn đề nhức nhối trong các vòng đàm phán ngừng bắn trước đây do Ai Cập và Qatar làm trung gian.
Cũng theo nguồn tin, thêm một cuộc họp giữa các quan chức Ai Cập và Israel dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 26/4 tại Cairo. Các nhà hòa giải Ai Cập cũng có cuộc họp ngay sau đó với phái đoàn Hamas để thảo luận về kết quả cuộc họp trước đó với Israel. Mỹ và 17 quốc gia khác ngày 25/4 đã kêu gọi Hamas thả tất cả con tin Israel như một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Gaza. Tuy nhiên, Hamas tuyên bố sẽ không nhượng bộ trước áp lực quốc tế.
Trong một diễn biến khác, phát biểu trên truyền hình ngày 25/4 nhân kỷ niệm 42 năm Giải phóng Bán đảo Sinai, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nhấn mạnh nước này kiên quyết phản đối việc di dời người Palestine khỏi vùng đất của họ đến Sinai hoặc bất kỳ nơi nào khác, đồng nêu rõ lập trường kiên định của Cairo là nhằm ngăn chặn âm mưu hủy hoại sự nghiệp của người Palestine và bảo vệ an ninh quốc gia của Ai Cập. Ai Cập và cộng đồng quốc tế đã cảnh báo những hậu quả thảm khốc của một cuộc tấn công trên bộ theo kế hoạch của Israel ở thành phố Rafah, nơi hơn một nửa dân số Gaza đang sinh sống. Ai Cập lo ngại cuộc tấn công trên bộ vào Rafah sẽ đẩy khoảng 1,4 triệu người Palestine tràn qua biên giới sang bán đảo Sinai của Ai Cập, điều mà Cairo tuyên bố là "ranh giới đỏ".
* Trong diễn biến liên quan, truyền thông Trung Đông dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết quân đội nước này đã bắt đầu xây dựng một cầu tàu tạm thời trên bờ Địa Trung Hải để tăng cường cung cấp viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza.
Cầu tàu này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu tháng 5. Hồi tháng 3, trước áp lực trong nước về việc xử lý cuộc xung đột ở Gaza, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố quân đội nước này sẽ xây dựng một cảng tạm thời trên bờ Địa Trung Hải để Gaza có thể tiếp nhận viện trợ nhân đạo bằng đường biển. Thư ký báo chí Lầu Năm Góc, Thiếu tướng Pat Ryder, xác nhận quân đội Mỹ đã bắt đầu quá trình xây dựng bến tàu.
* Cũng trong ngày 25/4, sau chuyến thăm Ai Cập và tới cửa khẩu Rafah nối với Dải Gaza, Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc (LHQ) về nhân quyền tại các vùng lãnh thổ của Palestine, bà Francesca Albanese, cảnh báo rằng các nước láng giềng không thể một mình thích ứng với tác động của cuộc xung đột Gaza.
Quan chức LHQ khuyến nghị quá trình cung cấp hỗ trợ nhằm giải quyết các hành động của Israel ở Gaza nên được lồng ghép thông qua Điều phối viên các vấn đề nhân đạo của LHQ. Bà Albanese nói thêm điều đó sẽ giảm bớt trách nhiệm đối với Ai Cập và người dân nước này, đồng thời kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza và chấm dứt quyền kiểm soát bất hợp pháp của Israel đối với Gaza và các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng.
Quan chức LHQ lưu ý rằng trọng tâm của cộng đồng quốc tế phải tập trung vào nguy cơ về việc thanh lọc sắc tộc đối với người Palestine, đồng thời hối thúc các quốc gia phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn điều này.