Trong cuộc họp báo trực tuyến, đại diện của WHO tại các vùng lãnh thổ Palestine Rik Peeperkorn cho biết việc sơ tán số bệnh nhân trên khỏi Gaza sẽ giúp giảm tải cho các cơ sở y tế và bệnh viện hiện đang gặp nhiều khó khăn để duy trì hoạt động trong vùng chiến sự.
Theo ông, có khoảng 6.000 trong số 8.000 bệnh nhân nói trên cần điều trị do ảnh hưởng của xung đột, trong đó có nhiều bệnh nhân đa chấn thương,... Ông cho biết 2.000 ca còn lại là bệnh nhân thông thường từ trước khi xung đột bùng nổ. Ông nêu thực trạng mỗi ngày hiện có 50 đến 100 bệnh nhân được chuyển từ Gaza tới Đông Jerusalem và Bờ Tây, trong đó có một nửa là bệnh nhân ung thư.
Tính từ ngày 7/10/2023 - thời điểm xung đột bùng nổ, đến 20/2/2024, đã có 2.293 bệnh nhân được chuyển khỏi Gaza để được tiếp tục điều trị. WHO công bố thông tin trên trong bối cảnh Israel vẫn mở rộng chiến dịch quân sự tại Gaza và cuộc khủng hoảng nhân đạo tại dải đất ngày ngày một trầm trọng. Ông Peeperkorn cho biết WHO đã tìm cách thúc đẩy hệ thống sơ tán y tế tại Gaza từ tháng 11 năm ngoái, song đến nay hoạt động sơ tán y tế diễn ra khá chậm chạp. Ông nhấn mạnh quyền của bệnh nhân được chữa trị tốt hơn. Ông Peeperkorn cho biết 23 trong số 36 bệnh viện ở Dải Gaza hiện không hoạt động, trong khi số còn lại chỉ hoạt động một phần hoặc tối thiểu.
Trong diễn biến liên quan, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin nước này đã huy động một máy bay chở vật tư y tế cứu trợ cho Gaza, ngoài ra nước này cũng sẽ chuyển 2.700 tấn hàng hóa cho dải đất này trước tháng lễ Ramanda của người Hồi giáo. Kể từ khu xung đột bùng nổ vào ngày 7/10, Thổ Nhĩ Kỳ đã viện trợ 3.000 tấn hàng hóa cho Gaza.
Trong bối cảnh xung đột tại Gaza chưa có dấu hiệu chấm dứt, ngày 5/3, phóng viên TTXVN tại Rome cho biết Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani đã kêu gọi lệnh ngừng bắn bền vững ở Gaza. Ông bày tỏ quan ngại nhiều dân thường Palestine đang trở thành nạn nhân trong chiến dịch quân sự của Israel.