Người đứng đầu tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) Isabelle Defourny bày tỏ quan ngại về "nguy cơ diệt chủng" khi 13 tổ chức nhân đạo lớn bị hạn chế hoạt động viện trợ vào vùng lãnh thổ ven Địa Trung Hải này. Bà nhấn mạnh hiện "không có điều kiện để cung cấp hỗ trợ nhân đạo ở Gaza" vì trong suốt 6 tháng, Israel lựa chọn cách tấn công nhằm vào vùng lãnh thổ nơi mà người dân đang mắc kẹt và rơi vào cảnh thiếu lương thực. Bà Defourny nhận định: "Gaza đang dần trở nên không phù hợp cho cuộc sống của con người. Tình hình tại đây đã vượt qua ngưỡng kinh hoàng tột độ”.
Cùng ngày, tổ chức MSF cáo buộc Israel đang phá hủy một cách có hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại Gaza. Trẻ em nhập viện với các vết thương nghiêm trọng do máy bay không người lái không kích, trong khi nhiều bệnh nhân bị bỏng nặng hoặc kẹt dưới đống đổ nát. MSF cũng cho rằng các cuộc không kích của Israel khiến các nhân viên nhân đạo quốc tế thiệt mạng hôm 2/4 cho thấy mục đích cố ý hoặc giới hạn năng lực cứu trợ.
Các nhóm viện trợ cũng yêu cầu Israel từ bỏ kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah ở phía Nam Gaza, nơi có hơn 1 triệu dân thường đang trú ẩn.
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson hối thúc Israel thực hiện đầy đủ và nhanh chóng các bước đi, bao gồm cam kết mở cảng Ashdod để chuyển hàng viện trợ trực tiếp tới Gaza, mở cửa khẩu Erez cho một tuyến đường mới để chuyển hàng viện trợ tới phía Bắc Gaza và tăng đáng kể việc vận chuyển hàng hóa từ Jordan trực tiếp đến Gaza.
Theo thống kê của cơ quan y tế tại Dải Gaz, kể từ khi nổ ra cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel vào tháng 10 năm ngoái, ít nhất 33.037 người đã thiệt mạng, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tại dải đất bị chiến tranh tàn phá, nhiều khu vực rộng lớn đã biến thành đống đổ nát, hơn 2 triệu người Palestine đang phải chịu đựng tình trạng thiếu lương thực, nước, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm cơ bản khác.