Phóng viên TTXVN tại Cairo cho biết, theo kênh truyền hình Sada al-Balad, các nhà đàm phán ở Cairo đã đạt được tiến bộ về những khía cạnh kỹ thuật của một thỏa thuận tiềm tàng. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin tham gia đàm phán, ngay cả khi Hamas chấp nhận đề xuất đã được đưa ra trước đó, vẫn cần thời gian để thống nhất về những chi tiết cụ thể, trước khi đi đến một thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng. Theo các nguồn tin này, "các cuộc thảo luận có thể kéo dài và khó khăn".
Trong khi đó, một nguồn tin cấp cao khác đã xác nhận với kênh tin tức Al-Qahera News rằng phái đoàn an ninh Ai Cập đã tham gia đàm phán nhằm giúp Hamas và Israel đạt được sự "đồng thuận" về nhiều điểm bất đồng. Các bên trung gian hòa giải từ Qatar, Ai Cập và Mỹ đã lắng nghe phản hồi của Hamas về đề xuất ngừng giao tranh trong 40 ngày và thỏa thuận trao đổi con tin lấy tù binh Palestine.
Hiện Israel vẫn chưa cử phái đoàn đến Cairo, và một nguồn tin khẳng định Israel sẽ chỉ cử đại diện nếu có "chuyển động tích cực" trong khuôn khổ được đề xuất.
Những ngày qua, các bên tham gia hòa giải đã nỗ lực thúc đẩy nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn, trong bối cảnh Israel đe dọa triển khai tấn công thành phố Rafah, phía Nam Gaza, nơi 1,2 triệu người Palestine đang lánh nạn, bất chấp lo ngại của cộng đồng quốc tế.
Cũng trong ngày 4/5, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian đã thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Dải Gaza bên lề hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo ở thủ đô Banjul của Gambia.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Shoukry đã thông báo ngắn gọn với người đồng cấp Amir-Abdollahian về những nỗ lực của Cairo nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn "cho phép trao đổi tù nhân và những người bị bắt để đạt được một lệnh ngừng bắn toàn diện và lâu dài".
Ngoại trưởng Shoukry đã tái khẳng định với người đồng cấp Iran rằng Cairo bác bỏ mọi hoạt động quân sự trên bộ của Israel tại Rafah, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích các quốc gia công nhận nhà nước Palestine, khẳng định điều này sẽ góp phần tăng cường nỗ lực thành lập Nhà nước Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước. Hai bên cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết giữa các nước Hồi giáo trong bối cảnh có nhiều thách thức to lớn.
Cuộc gặp cũng đề cập đến quan hệ song phương giữa Cairo và Tehran, khi hai bên nhất trí "tiếp tục tham vấn để giải quyết tất cả các chủ đề và vấn đề còn tồn đọng nhằm bình thường hóa quan hệ".