Giới phân tích cho rằng những diễn biến trong tương lai của cuộc xung đột ở Dải Gaza như chiến tranh tiêu hao sinh lực, tấn công vào địa bàn hay ngừng bắn, tất cả đều phụ thuộc vào thực trạng lực lượng của hai phía và các động lực bên trong.Hiện trường vụ nổ sau một cuộc tấn công bằng tên lửa của Israel vào thành phố Gaza. Ảnh: THX-TTXVN |
* Thực trạng cân bằng sức mạnh trong cuộc xung đột này hiện nay là gì?Theo phát ngôn viên quân sự Israel, Trung tá Peter Lerner, Israel đã giáng một đòn nặng vào Hamas khi tiêu diệt ba trong số các chỉ huy quân sự cấp cao của phong trào này, song chưa rõ nỗ lực của Israel muốn ám sát thủ lĩnh quân sự của Hamas Mohammad Deif có đạt kết quả hay không.
Israel cũng đã phá hủy được khoảng 2/3 trong số 10.000 quả đạn rocket được cho là Hamas đang có trong tay, tiêu diệt khoảng 900 "tên khủng bố" và đập tan mạng lưới đường hầm tấn công dưới lòng đất.
Mukhaimer Abu Saada, Giáo sư khoa học chính trị của trường Đại học Al-Azhar ở Gaza, cho biết: "Hamas không còn nhiều khả năng như trước nữa, có sự khác biệt lớn giữa thực tế với các tuyên bố chính trị và quân sự".
Sự phong tỏa của Israel có thể khiến việc tăng cường kho vũ khí của Hamas gần như trở thành một nhiệm vụ bất khả thi. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng phong trào Hồi giáo này có thể vẫn nắm giữ những loại vũ khí bất ngờ.
Cuộc chiến tại Gaza đã cướp đi sinh mạng của 64 binh sĩ Israel, tổn thất lớn nhất kể từ sau cuộc chiến tranh ở Liban năm 2006, 4 dân thường thiệt mạng, trong đó có một trẻ em. Báo "Haaretz" dẫn lời các quan chức quốc phòng cho biết, sau 41 ngày, Israel đã thiệt hại 2,5 tỷ USD.
* Israel đã thay đổi kế hoạch ám sát các mục tiêu của mình hay chưa?Theo Nathan Thrall, chuyên gia phân tích thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế có trụ sở tại Brussels (Bỉ), câu trả lời là chưa. Ông nói: "Họ sẽ tiêu diệt các nhân vật cấp cao của Hamas trong cuộc chiến này".
Trong khi đó, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Israel Uzi Dayan cho rằng mặc dù các vụ ám sát mà Israel tiến hành nhằm vào giới lãnh đạo Hamas được coi là "cú đấm" về mặt tinh thần đối với phong trào này, song không hẳn nó đã gây ảnh hưởng lớn tới Hamas. Ông nhận định: "Tôi không cho rằng nó có ảnh hưởng lớn tới khả năng hành động (của Hamas)", đồng thời cảnh báo rằng nếu Hamas tiếp tục bắn rocket, Israel sẽ tấn công mạnh hơn nữa.
Căn nhà bị phá hủy sau vụ oanh tạc của máy bay Israel tại trung tâm Dải Gaza. Ảnh: AFP/ TTXVN |
* Liệu Israel có hướng tới một cuộc chiến tiêu hao sinh lực?Câu trả lời là Israel sẽ không cân nhắc tới một cuộc chiến tiêu hao sinh lực. Chuyên gia Thrall nói: "Một cuộc chiến tiêu hao sinh lực nghĩa là nó sẽ kéo dài trong nhiều tháng, và tôi không cho rằng nó có khả năng xảy ra, không bên nào có thể để cho nó xảy ra bởi nó quá tốn kém về mặt tài chính và khó khăn về mặt chính trị".
Tuy nhiên, chuyên gia Thrall cho rằng dù Hamas không thể bắn rocket mãi, song "họ có thể kéo dài điều đó đủ để khiến Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảm thấy khó chịu".
Còn nhà phân tích về Gaza Mostafa al-Saouaf cho rằng Hamas "không có gì để mất". Ông nói: "Người dân đang chết bởi cuộc chiến và không thể sống sót trong cuộc phong tỏa. Sự im lặng của cộng đồng quốc tế trước việc thảm sát hàng loạt ở Gaza đang có lợi cho phía Isarel".
* Khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh tổng lực, bao gồm cả tấn công vào địa bàn, là gì?
Chuyên gia Thrall trả lời: "Việc khởi động một cuộc chiến tổng lực ít có khả năng xảy ra" dựa trên sự cương quyết của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "không để cuộc chiến này gây ra cho ông những kết quả như cuộc chiến tranh Liban đã gây ra cho những người tiền nhiệm của ông".
Còn theo cựu Cố vấn An ninh Dayan, việc quân đội Israel trở lại Dải Gaza là "có khả năng xảy ra trên thực tế", bởi "ông Netanyahu sẽ không chấp nhận việc giao tranh kéo dài". Ông Dayan cho rằng "vấn đề tiến thoái lưỡng nan của Isarel là có nên tiếp tục gây thêm áp lực hay không, hay sẽ khởi động một cuộc tấn công vào địa bàn", nhưng nói thêm rằng quyết định sẽ không thể được đưa ra trong "ngày một ngày hai".
* Liệu có cơ hội để các bên trở lại đàm phán không?
Với câu hỏi này, câu trả lời của Hamas là "không thể". Tuy nhiên, các chuyên gia lại khẳng định nó có khả năng trên thực tế. Giáo sư Abu Saada cho rằng có những người Palestine "như chỉ huy Khaled al-Batsh của nhóm Hồi giáo Thánh chiến không đóng cửa đối với việc đàm phán".
Bên cạnh đó, những yêu cầu của phía Palestine có thể đã được nêu lại trong cuộc hội đàm kéo dài hai ngày tại Doha giữa Tổng thống Palestine Mahmud Abbas và chỉ huy Hamas Khaled Meshaal vào ngày 21-22/8. Tuy nhiên, chuyên gia Thrall cảnh báo rằng mặc dù hai bên có thể sẵn lòng "đi đến một thỏa thuận", song không nhất thiết đó sẽ là một thỏa thuận mà bên kia chấp nhận.
TTK