Để hiểu được cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Israel và cánh vũ trang Hamas, việc điểm lại kịch bản Israel tấn công vào Dải Gaza hồi tháng 11/2012 có lẽ là điều không thừa. Nhưng nguyên nhân dẫn tới 2 cuộc xung đột đều tương đối giống nhau, với các đặc điểm chung là các màn nã rocket của Hamas nhằm vào phía Israel, đáp trả là hành động tấn công quân sự của chính quyền Tel Aviv…
Tuy nhiên, 2 kịch bản lại có những tình tiết, diễn biến khác nhau, đặt trong một bối cảnh mới. Năm 2012, vẫn còn đó một Ai Cập đặt dưới quyền lãnh đạo của Phong trào Anh em Hồi giáo (MB) - lực lượng có ảnh hưởng lớn đến các quyết định của Hamas. Tổng thống Mohammad Morsi lúc đó có đủ quyền lực để trấn an những cư dân Gaza rằng ông hành động vì lợi ích của họ và sẽ bảo vệ họ trong các nghị quyết giúp giải quyết cuộc khủng hoảng leo thang. Ông Morsi cũng có khả năng hợp tác hiệu quả với Tổng thống Mỹ Barack Obama để định ra một khung thỏa thuận ngừng bắn có thể chấp nhận được với các bên.
Quân đội Israel mở các đợt pháo kích nhằm vào các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza hôm 20/7. Ảnh: AFP |
Còn tại thời điểm hiện nay, chính quyền của Tổng thống Ai Cập Sisi có mối quan hệ hoàn toàn khác với đối tác Hamas. Nếu như ông Morsi là người bảo vệ cho “khách hàng Hamas” thì ông Sisi lại là “người cai ngục” đối với các tù nhân Hamas. Việc kiên quyết đẩy lùi ảnh hưởng của MB giúp chính quyền Cairo có được giải pháp kiểm soát hiệu quả làn sóng tấn công bạo lực cực đoan ở bán đảo Sinai từ các đường hầm xuyên qua Dải Gaza.
Nhưng ở chiều ngược lại, Ai Cập đã không còn duy trì được ảnh hưởng với Hamas như trước đây. Phái Hamas không thể đặt niềm tin vào viễn cảnh Cairo sẽ đứng lên bảo vệ lợi ích cho họ trong các cuộc đàm phán, và Ai Cập thì cũng không thể có sự nhượng bộ đối với Hamas. Việc lãnh đạo Hamas từ chối đề xuất ngừng bắn mà Cairo đưa ra là minh chứng rõ nét cho xu hướng trên.
Khi mà sự can dự của Ai Cập thiếu hiệu quả, còn ảnh hưởng đối với giới lãnh đạo chính trị Hamas nằm ở Doha (Qatar), thì đương nhiên không thể xuất hiện yếu tố then chốt cho một lệnh ngừng bắn. Hamas vì thế hành động theo bản năng, cố gắng giành lấy bất kì thắng lợi mang tính biểu tượng nào từ trận chiến nhằm hủy hoại Israel, dù rằng điều đó sẽ đẩy người dân ở Dải Gaza đối mặt với các màn tấn công bằng bom đạn từ phía Israel. Hiện không có đồng minh bên ngoài nào có thể “hãm cương” hay đơn giản chỉ là kêu gọi Hamas kiềm chế.
Chính phủ Israel cũng có vấn đề tương tự. Khi mà Hamas vẫn tiếp tục nã rocket vào các mục tiêu ở Israel thì Thủ tướng Netanyahu không thể ngồi yên.
Israel hiện đứng trước 3 lựa chọn giải pháp chẳng mấy dễ chịu. Thứ nhất: giảm cường độ không kích để đổi lấy việc Hamas giảm các màn nã rocket, tạo nền tảng tiến đến ngừng bắn. Thế nhưng điều này đồng nghĩa với việc Hamas gần như là bên chiến thắng, hoặc nó cho thấy quân đội Israel thực sự không hiệu quả. Thứ hai: Israel duy trì hiện trạng như hiện nay, tiếp tục tấn công vào Gaza và chờ cho đến khi xuất hiện tình thế đột biến. Thứ 3: Mở một cuộc tấn công trên bộ để trừng phạt Hamas, ngăn chặn khả năng tấn công, phá hủy các kho rocket, tên lửa của cánh vũ trang này. Đây là luồng quan điểm đang thắng thế hiện nay trong giới lãnh đạo Israel. Một bộ trưởng Israel đã từng mô tả kịch bản này là “nhổ cỏ tận gốc” thay vì “đóng cứ tạm thời”.
Liên quan đến kịch bản thứ 3, lại có một tiền lệ khác cần nghiên cứu kỹ. Đó là khi Israel mở Chiến dịch Chì Đúc (Operation Cast Lead), với một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn nhằm vào Dải Gaza mùa đông 2008-2009. Chiến dịch này thất bại, vừa không giải giáp được Hamas, mà còn đẩy Israel tới chỗ bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, lên án, sau những thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, vật chất đối với dân thường Palestine. Châu Âu thậm chí lúc đó còn tính áp đặt một số lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Israel.
Tình hình hiện nay cũng vậy, Israel leo thang tấn công trên bộ có thể sẽ buộc Hội đồng bảo an LHQ phải có tuyên bố hoặc hành động - điều có thể đẩy Mỹ, nước đồng minh then chốt của Israel, vào thế bí.
Hoài Thanh (
Theo Epochtimes)