Hy vọng về một lệnh ngừng bắn đã không kéo dài lâu và giờ đây, cuộc chiến ở Sudan đã bước sang một giai đoạn mới. Có vẻ giao tranh sẽ ác liệt hơn và thương vong sẽ nhiều hơn, khi xung đột lan rộng ra ngoài các khu vực Khartoum và Darfur đến các vùng khác của nước này.
Vào tối 3/6, lệnh ngừng bắn kéo dài một tuần do Saudi Arabia làm trung gian đã kết thúc. Dù không hoàn hảo, nhưng đây là một bước tiến trong sáu thỏa thuận đình chiến trước đó.
Mỹ và Saudi Arabia, vốn đang làm trung gian cho những cuộc đàm phán giữa quân đội Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF), đã cố gắng duy trì các cuộc thảo luận, với hy vọng làm trung gian cho nhiều vấn đề hơn là một lệnh ngừng bắn khác.
Nhưng các tay súng của cả hai bên đã tiến tới. Tướng quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và chỉ huy của RSF Mohamed Hamdan Dagalo, thường được gọi là Hemeti, sẵn sàng cho một trận “quyết đấu”.
Tuần trước, một nhà phân tích quân sự phương Tây cho biết, các đơn vị của quân đội Sudan đang cơ động từ khắp cả nước tới Khartoum. Các sư đoàn từ Atbara, Damazin và Wad Madani đều đang trên đường đến thủ đô. Trong khi đó, 200 phương tiện chiến đấu của RSF tiến đến một căn cứ ở Bắc Kordofan, để chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào El Obeid, thủ phủ của bang.
Theo hãng tin Reuters, giao tranh gia tăng ở một số khu vực của Khartoum ngày 4/6 và một đợt bùng phát bạo lực mới ở bang Bắc Darfur đã khiến ít nhất 40 người thiệt mạng.
Sara Hassan, cư dân 34 tuổi, nói qua điện thoại: “Ở miền Nam Khartoum, chúng tôi đang sống trong nỗi kinh hoàng với các cuộc bắn phá dữ dội, tiếng súng phòng không và điện bị cắt. Chúng tôi đang sống trong địa ngục thực sự".
Trong số các khu vực khác được báo cáo có giao tranh là miền Trung và miền Nam Khartoum, Bahri, cũng như khắp Blue Nile ở phía Bắc.
Ngoài thủ đô, giao tranh ác liệt cũng đã nổ ra ở Darfur, phía Tây xa xôi của Sudan, vốn đã phải vật lộn với tình trạng bất ổn kéo dài và những thách thức nhân đạo khắc nghiệt.
Saudi Arabia và Mỹ cho biết họ đang tiếp tục liên lạc hàng ngày với các phái đoàn của quân đội Sudan và RSF, lực lượng vẫn ở lại Jeddah mặc dù các cuộc đàm phán để gia hạn lệnh ngừng bắn đã bị đình trệ vào tuần trước.
"Những cuộc thảo luận đó tập trung vào việc tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo và đạt được thỏa thuận về các bước ngắn hạn mà các bên phải thực hiện trước khi các cuộc đàm phán ở Jeddah tiếp tục", hai nước trên cho biết trong một tuyên bố.
Cuộc tranh giành quyền lực nổ ra ở Sudan vào ngày 15/4 vừa qua đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, trong đó trên 1,2 triệu người phải di tản ở trong nước và khiến 400.000 người khác sơ tán sang các quốc gia láng giềng. Xung đột cũng đe dọa gây mất ổn định toàn khu vực.