Xung đột ở Ukraine có thể khiến kinh tế Nga thụt lùi 30 năm

Các nhà kinh tế, nhà đầu tư và nhà ngoại giao cho rằng xung đột ở Ukraine có thể khiến nền kinh tế Nga thụt lùi ít nhất 30 năm và khiến mức sống của người dân nước này sụt giảm trong ít nhất 5 năm tới.

Theo kênh CNBC, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm gây ra những thiệt hại lớn nhất cho nền kinh tế Nga. Hệ thống tài chính và tiền tệ của Nga đang gặp khó khăn trên nhiều mặt, buộc Nga phải đóng cửa thị trường chứng khoán và hỗ trợ đồng ruble.

Đặc biệt, có hai lệnh trừng phạt đã gây ra tác hại đáng kể với Nga. Biện pháp đầu tiên là loại các ngân hàng lớn nhất Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, khiến họ rất khó xử lý các giao dịch ở nước ngoài. Biện pháp thứ hai là đóng băng hàng trăm tỷ euro dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga. Nếu không có quỹ dự trữ để tăng giá đồng ruble, đồng tiền này có nguy cơ sụp đổ. Trong khi đó, Mỹ và Anh cũng đang ngừng nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Đảo ngược hàng thập kỷ tăng trưởng

Chú thích ảnh
Người Nga xếp hàng dài để rút tiền từ một cây ATM ở Saint Petersburg, Nga ngày 27/2. Ảnh: Reuters

Trong tháng qua, đồng ruble đã mất 40% giá trị so với đồng USD. Với mong muốn duy trì giá trị của đồng ruble trong nước, vào ngày 8/3, Điện Kremlin đã ban hành lệnh cấm đổi đồng ruble lấy các đồng tiền như USD hoặc Euro.

Các lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng lớn nhất Nga đã tạo thêm bất ổn cho các giao dịch hàng ngày. Người Nga không thể mua vé tàu điện ngầm ở Moskva bằng Apple Pay do đã bị cấm theo lệnh trừng phạt của Mỹ. Họ cũng không thể đổi ruble lấy USD tại ngân hàng do bị Chính phủ Nga cấm.

Ông Christopher Smart, Giám đốc Viện Đầu tư Barings cho biết: “Tầng lớp trung lưu mới nổi ở Nga sẽ bị thụt lùi”.

Các chuyên gia về chính sách đối ngoại cũng cho rằng Nga sẽ vỡ nợ chính phủ khi hơn 100 triệu USD tiền thanh toán trái phiếu đến hạn vào ngày 16/3.

Bộ trưởng Tài chính Nga gần đây cho biết nước này sẽ trả khoản nợ quốc gia bằng đồng ruble chừng nào phương Tây vẫn còn đóng băng gần một nửa dự trữ của ngân hàng trung ương nước này.

Tuy nhiên, hợp đồng của các khoản nợ này lại cấm Nga thanh toán bằng đồng ruble, có nghĩa là cố gắng trả nợ bằng đồng ruble sẽ trở thành vỡ nợ kỹ thuật.

Tóm lại, đồng ruble giảm mạnh và nguy cơ vỡ nợ đang khiến nền kinh tế Nga có vẻ rất rủi ro đối với những người cho vay.

Theo ông Maximillian Hess tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, Nga sẽ khó có thể vay với mức lãi suất mà họ đã vay trong những năm gần đây.

Các thương hiệu toàn cầu đồng loạt ra đi

Kể từ khi bắt đầu nổ ra xung đột Ukraine vào ngày 24/2, hơn 300 thương hiệu nổi tiếng thế giới đã tạm dừng hoặc cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Nga.

Chú thích ảnh
Cửa sổ trưng bày sản phẩm Louis Vuitton trên Quảng trường Đỏ ở Nga. Ảnh: Getty Images

Trong số đó, có các ngân hàng toàn cầu như Goldman Sachs, các công ty kế toán lớn nhất, các thương hiệu tiêu dùng như Starbucks và Ford.

Ông Hess cho biết: “Rất nhiều công ty rút khỏi Nga không phải vì lý do uy tín. Đó là bởi vì họ biết rằng họ sẽ không thể xử lý các khoản thanh toán và chuyển tiền vào và ra khỏi Nga trong tương lai gần do các lệnh trừng phạt”.

PepsiCo, Levi Strauss và Coca-Cola đều tuyên bố sẽ tạm ngừng bán các sản phẩm cốt lõi tại Nga. Bộ ba này rời đi sẽ gây ra tác động tới tâm lý của giới trẻ.

Chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s rời Nga cũng gây ra tác động tương tự. Tuần trước, McDonald’s thông báo rằng tất cả 850 nhà hàng tại Nga sẽ tạm thời đóng cửa.

Các tập đoàn gây tác động lớn khi rời Nga còn có những cái tên trong ngành dầu như Shell, BP và Exxon. Các tập đoàn này rời bỏ Nga sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nga vốn phụ thuộc dầu mỏ.

Visa, Mastercard, PayPal và American Express cũng bị đình chỉ các dịch vụ, khiến người Nga ở nước ngoài không thể sử dụng thẻ ghi nợ và các ngân hàng Nga đang khẩn trương xoay sang sử dụng dịch vụ của công ty phát hành thẻ Trung Quốc.

Một số công ty đã tạm dừng hoạt động ở Nga khẳng định họ sẽ trở lại ngay sau khi chiến sự ở Ukraine kết thúc. Tuy nhiên, các chuyên gia đầu tư toàn cầu cho rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ và đồng ruble mất giá khiến các công ty khó quay trở lại trong năm nay hoặc năm sau.

Mức sống giảm

Ông Christopher Smart, Giám đốc Viện Đầu tư Barings, cho biết: “Người Nga sẽ sớm cảm nhận được tác động của các lệnh trừng phạt. Họ sẽ không thể nhập khẩu thuốc. Họ sẽ không nhập khẩu phụ tùng thay thế cho máy bay. Họ sẽ không có quyền tiếp cận với hình thức đầu tư nào để phát triển các mỏ dầu”.

Ông Hess của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại dự báo rằng trong 5 năm nữa, người Nga sẽ sống trong một đất nước kiểu như những năm 90. Khi ông Vladimir Putin được bầu làm tổng thống lần đầu tiên vào năm 2000, Nga có % dân số sống với mức dưới 5,5 USD mỗi ngày. Đến năm 2018, con số đó đã giảm hơn 90%, chỉ còn 3,7% dân số.

Trong thời gian đó, hàng triệu người Nga đã mua ô tô, lò vi sóng và TV của nước ngoài. Họ mặc quần áo của các thương hiệu như Diesel, Mango và Benetton và họ bắt đầu đi nghỉ ở nước ngoài.

Tuy vậy, cuộc sống quen với các thương hiệu nước ngoài có thể sẽ không còn.

Các nhà đầu tư và chuyên gia chính sách cho biết gần như khó có khả năng các công ty Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại Nga trong vòng 5 năm tới.

Với tác động trực tiếp mà các lệnh trừng phạt đang gây ra đối với môi trường kinh doanh ở Nga, đảm bảo dỡ bỏ hoàn toàn hoặc một phần các lệnh trừng phạt này chính là chìa khóa để khiến các công ty Mỹ muốn quay trở lại.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có thể ít nhất 3 năm nữa, các lệnh trừng phạt mới được nới lỏng hoặc dỡ bỏ.

Kế hoạch của Nga

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại cuộc họp ở Moskva ngày 24/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ năm 2014, khi Mỹ và các đồng minh áp đặt lệnh trừng phạt Nga sau sự kiện sáp nhập Crimea và vụ bắn rơi chuyến bay MH-17 của hãng hàng không Malaysia, Tổng thống Putin đã cố gắng để nền kinh tế trị giá 1.500 tỷ USD miễn nhiễm với trừng phạt.

Theo kênh CNN, Nga đã tìm cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, hạn chế chi tiêu của chính phủ và tăng cường dự trữ ngoại tệ. Các nhà hoạch định kinh tế của Chính phủ Nga cũng đã tìm cách thúc đẩy sản xuất một số mặt hàng trong nước, ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm tương đương.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã tích lũy được lượng dự trữ trị giá 630 tỷ USD, tính gộp cả ngoại tệ và vàng. Đây là một số tiền khổng lồ so với hầu hết các quốc gia khác. Ngày 28/2, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết: “Các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga đã thay đổi mạnh mẽ”, đồng thời thông báo sẽ tăng gần gấp đôi lãi suất lên 20%.

Nga cũng đang áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Ngân hàng Trung ương Nga đã ra lệnh cho các công ty bán ngoại tệ để hỗ trợ đồng ruble khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp kỷ lục so với USD.

Tổng thống Putin có kế hoạch ban hành sắc lệnh tạm thời cấm các công ty và nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản của Nga. Trước đó, ông đã ký sắc lệnh kinh tế đặc biệt để đối phó với trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Sắc lệnh này nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga và phù hợp với luật pháp Nga.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ thông báo trừng phạt 8 Thứ trưởng Quốc phòng Nga
Mỹ thông báo trừng phạt 8 Thứ trưởng Quốc phòng Nga

Liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/3 đã thông báo lệnh trừng phạt nhằm vào 11 quan chức quốc phòng Nga, trong đó có 8 Thứ trưởng Quốc phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN