Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, ông Kyrylo Budanov, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết lượng tiêu thụ đạn pháo của Quân đội Nga ở Ukraine là khoảng 20.000 viên mỗi ngày. Nhưng Moskva càng ngày càng khó duy trì tốc độ tiêu thụ này, vì ngành công nghiệp quân sự Nga không thể sản xuất nhiều đạn pháo nhanh như vậy và lượng dự trữ đang cạn dần.
“Người Nga dường như không tính đến cuộc chiến sẽ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Họ không chú ý đến điều đó và tiêu thụ một lượng lớn đạn dược mỗi ngày. Đến mùa thu, họ nhận ra rằng sẽ không thể duy trì tốc độ tiêu thụ này và bắt đầu hạn chế dần số lượng đạn dược sử dụng hàng ngày”, ông nói.
Dẫn lời ông Budanov, Defense Express cho biết các lực lượng Nga hiện sử dụng khoảng 19.000 đến 20.000 quả đạn pháo mỗi ngày, giảm mạnh so với 60.000 quả mỗi ngày hồi tháng 2/2022. Tuy nhiên, quan chức tình báo hàng đầu này cho biết dù tốc độ tiêu thụ đạn pháo của Nga giảm nhiều, nhưng vẫn “bất thường”bởi năng lực sản xuất của Moskva không thể đáp ứng mức độ tiêu thụ đó.
Ông nhận định rằng đến tháng 3/2023, số lượng đạn dược sẽ giảm xuống còn 15.000 - 10.000 quả mỗi ngày. Vào thời điểm đó, lượng dự trữ đạn pháo ở Nga sẽ giảm xuống dưới 30%, và sự thiếu hụt này sẽ là vấn đề thậm chí còn lớn hơn cả việc thiếu tên lửa cho các cuộc tấn công trên không.
Trang tin Ukrainsk Pravda ngày 2/1 dẫn lời ông Budanov cho biết thêm gần đây, Nga bắt đầu giảm số lượng tên lửa trong mỗi đợt tập kích, từ hơn 100 quả còn 50 - 60 quả/lần, để duy trì tần suất tấn công. Hiện nay, Nga chỉ còn đủ tên lửa cho 2 cuộc tập kích quy mô lớn nữa.
Trước đó, trong bản cập nhật tình hình chiến sự Ukraine đưa ra ngày 24/12/2022, Bộ Quốc phòng Anh cũng cho rằng tình trạng thiếu hụt đạn dược vẫn là yếu tố gây hạn chế chính đối với các hoạt động tấn công của Nga ở chiến trường Ukraine. Bản cập nhật nhấn mạnh việc thiếu tên lửa hành trình đồng nghĩa rằng Nga nhiều khả năng buộc phải hạn chế tấn công bằng tên lửa tầm xa nhằm vào cơ sở hạ tầng của Ukraine. Nga đồng thời cũng khó có thể tăng cường kho dự trữ đạn pháo đủ để tiến hành các chiến dịch tấn công quy mô lớn.
Không chỉ khó khăn về đạn dược, việc bổ sung lực lượng của quân đội Nga, theo chuyên gia quân sự, cũng là một thách thức. Hôm 2/1, Bộ Quốc phòng Estonia cho biết lệnh động viên mới ở Nga sẽ ít hơn so với đợt trước - về chất lượng và huấn luyện binh sĩ.
Trang tin The New Voice of Ukraine dẫn lời người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ Estonia Taavi Laasik lưu ý rằng hiện tại không có xác nhận chính thức nào về lệnh động viên quân thứ hai ở Nga. Song khả năng Nga tiếp tục động viên quân có thể xảy ra và không thể loại trừ.
“Lệnh động viên quân thứ hai có thể diễn ra, nhưng chất lượng sẽ không bằng lần đầu”, ông Laasik nói và cho rằng việc huy động quân bí mật ở Nga chưa bao giờ dừng lại. Bất chấp những tuyên bố của Điện Kremlin rằng mục tiêu huy động đã được hoàn thành, việc động viên binh sĩ chưa bao giờ kết thúc.
Ông Laasik cho biết: “Việc huấn luyện các binh sĩ được huy động đang diễn ra tại nhiều căn cứ quân sự khác nhau, bao gồm cả căn cứ ở Pskov. Chiến dịch quân sự đặc biệt do Nga phát động ở Ukraine đã có tác động tiêu cực đáng kể đến Quân khu phía Tây của Nga và quân đội nước này nói chung, cả về nhân sự và trang thiết bị. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng Nga vẫn có đủ tiềm lực quân sự để đe dọa an ninh của khu vực”.
Trong bối cảnh giới chức phương Tây nhận định kho vũ khí của Nga có thể đã cạn kiệt sau hơn 10 tháng triển khai chiến dịch ở Ukraine, đặc biệt sau các đợt tập kích diện rộng gần đây, Moskva đã bác bỏ đánh giá này. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 11/2022 tuyên bố các nhà máy quốc phòng tại Moskva, St. Petersburg cũng như tại các vùng Ural, Siberia và Viễn Đông đang hoạt động hết công suất.
Hôm 2/1, ông Sergei Chemezov, người đứng đầu tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga Rostec, nói: “Các nhà máy của Rostec tham gia thực hiện các hợp đồng nhà nước đang làm việc gần như suốt ngày đêm. Các nhân viên đang thể hiện sự hy sinh và thấu hiểu về khối lượng công việc ngày càng tăng.”
Ông Chemezov cũng cho biết, các nhà máy của Rostec đã chuyển sang sản xuất với tần suất 24/7, bao gồm sản xuất máy bay và xe tăng.
Trong khi đó, Ukraine cũng gặp vấn đề tương tự. Giám đốc Cơ quan tình báo Quốc phòng Ukraine Budanov cho biết số lượng đạn dược mà Lực lượng Phòng vệ Ukraine sử dụng mỗi ngày ít hơn nhiều so với của Nga nhưng dù sao cũng rất cao. Số đạn dược này thậm chí tương đương “với lượng đạn dược sản xuất ở mức tối đa hàng tháng của 2 - 3 quốc gia châu Âu cộng lại”.