Theo phóng viên TTXVN tại Moskva, Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng những nỗ lực này sẽ mang lại kết quả chính trị trong việc tìm ra lối thoát cho tình hình khủng hoảng hiện nay. Đối thoại đang diễn ra với trọng tâm là tạo động lực chính trị cho những nỗ lực làm dịu căng thẳng và ổn định tình hình trong khu vực”. Ông Ryabkov cho biết cuộc đối thoại có sự tham gia của “các đặc phái viên và các nhà ngoại giao hàng đầu” hai nước.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng đã chỉ trích những tuyên bố và hành động "hiếu chiến" của các bên thứ ba liên quan đến tình hình ở Nagorny-Karabakh có thể làm gia tăng căng thẳng ở khu vực phía Nam Caucasus. Phát biểu tại cuộc họp báo, bà Zakharova nêu rõ: “Chúng tôi coi bất kỳ tuyên bố và hành động hiếu chiến nào của các bên thứ ba có thể tiếp tục làm leo thang căng thẳng và mất ổn định tình hình ở Nam Caucasus là phản tác dụng và vô trách nhiệm, có thể gây ra những hậu quả khó lường”. Bà Zakharova nhắc lại lời kêu gọi của Nga yêu cầu các bên liên quan cuộc xung đột "thể hiện kiềm chế tối đa". Bà cũng nhấn mạnh không có giải pháp nào thay thế cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Nagorny-Karabakh, các vấn đề khu vực nên được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị và ngoại giao.
Liên quan đến tình hình tại khu vực Nagorny-Karabakh, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 1/10 tuyên bố lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 4 máy bay không người lái xuất hiện trên không phận Armenia ở 2 tỉnh Kotayk và Gegharkunik, gần thủ đô Yerevan.
Cùng ngày, Armenia cho biết đã triệu Đại sứ nước này tại Israel về nước để tham vấn về những thương vụ bán vũ khí của Israel cho Azerbaijan. Về phía Israel, Bộ Ngoại giao nước này cho biết lấy làm tiếc về quyết định trên của Armenia, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ hai nước và coi Đại sứ quán Armenia tại Israel là một công cụ quan trọng để thúc đẩy quan hệ hai bên. Tuy nhiên, khi được hỏi chi tiết về việc bán vũ khí cho Azerbaijan, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Israel lại từ chối bình luận.
Nagorny-Karabakh là khu vực nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Căng thẳng tái bùng phát vào sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên. Theo các nguồn tin chính thức, xung đột quân sự đã khiến hàng chục người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.