Xung đột tại Sudan bắt đầu từ tháng 4/2023 khi giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) nổ ra ở thủ đô Khartoum và nhanh chóng mở rộng về phía Tây ra khắp Darfur.
Thống kê của nhóm viện trợ thuộc tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho thấy khoảng 1/3 số người nhập viện vì thương tích liên quan đến giao tranh ở Sudan là phụ nữ hoặc trẻ em dưới 10 tuổi. Kể từ khi xung đột nổ ra, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, khoảng 25 triệu người dân nước này đối mặt với nạn đói và cần viện trợ nhân đạo. Ước tính đã có 2,2 triệu người Sudan chạy trốn ra nước ngoài, trong khi gần 7,8 triệu người phải tìm kiếm nơi ẩn náu mới. Các cuộc xung đột trước đó cũng đã khiến 2,8 triệu người ở quốc gia Đông Phi này phải đi di tản.
Các chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ) nhận định nạn đói đã trở thành nguyên nhân lớn nhất dẫn đến làn sóng di tản khỏi Darfur, một phần vì gặp khó khăn trong việc nhận viện trợ.
IOM cho hay trong bối cảnh RSF mở rộng phạm vi hoạt động ở khu vực Đông Nam trong những tuần gần đây, trên 150.000 người đã phải di tản khỏi bang Sennar. Thậm chí, nhiều người đã phải di tản lần thứ hai hoặc thứ ba sau khi RSF đột kích vào các khu chợ và nhà cửa ở các làng và thị trấn nhỏ của bang.
Tuần trước, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đã cảnh báo về nguy cơ RSF mở rộng tấn công nhằm vào 40.000 người tị nạn Ethiopia ở bang Gedaref, phần lớn là người Tigray vốn bị RSF cáo buộc chiến đấu cùng quân đội Sudan.
Trong khi đó, triển vọng đàm phán giữa các bên xung đột vẫn chưa rõ ràng. Các cuộc đàm phán giữa Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres tại Sudan, Ramtane Lamamra và các phái đoàn của hai bên tham chiến ở Sudan dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 18/7 ở Geneva (Thụy Sĩ). Nội dung thảo luận sẽ tập trung vào vấn đề viện trợ nhân đạo và bảo vệ dân thường. Đáng chú ý, ông Lamamra sẽ gặp riêng rẽ với từng phái đoàn trong cùng ngày, do các bên xung đột không có kế hoạch gặp nhau trực tiếp.