Cảnh báo trên được Tổng giám đốc FAO đưa ra tại hội nghị bộ trưởng nông nghiệp của các quốc gia thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia). Theo ông Khuất Đông Ngọc, giá lương thực toàn cầu tăng vọt, một phần do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, đang gây ra "những tác động nghiêm trọng" đối với chuỗi cung ứng lương thực và dinh dưỡng toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Ông nêu rõ: “Thiệt hại về người, xã hội và kinh tế do xung đột luôn rất lớn, vì vậy hòa bình là điều kiện tiên quyết để phục hồi các hệ thống nông nghiệp - thực phẩm quốc gia và quốc tế”.
Tổng giám đốc FAO lưu ý xu hướng trên ảnh hưởng đến cả hai phía của quy trình cung cấp thực phẩm, theo đó giá lương thực rất cao đối với người tiêu dùng, trong khi chi phí đầu vào rất cao đối với nông dân. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta cần tránh nguy cơ một cuộc khủng hoảng về tiếp cận lương thực trở thành một cuộc khủng hoảng về cung cấp lương thực".
Trước đó, FAO đã đề xuất xây dựng quỹ tài trợ nhập khẩu lương thực nhằm hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương về kinh tế tiếp cận nguồn tín dụng để đáp ứng các nhu cầu khẩn cấp cũng như đầu tư vào các hệ thống sản xuất lương thực nội địa bền vững.
Tất cả 5 mức cao nhất Chỉ số giá lương thực của FAO đều đã được ghi nhận trong năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao và các vấn đề chuỗi cung ứng liên quan đến xung đột ở Ukraine. Chỉ số này đã giảm nhẹ trong những tháng gần đây và dữ liệu mới về chỉ số tháng 9 dự kiến sẽ được công bố vào đầu tháng 10 tới.