Xung đột với Hamas gây khó khăn nhiều mặt cho kinh tế Israel

Thương mại tại Israel đã đình trệ khi hàng trăm nghìn người phải sơ tán hoặc bị huy động làm quân nhân dự bị. Tình trạng vắng bóng du khách và lao động công nghệ trẻ giảm có thể khiến việc phục hồi kinh tế Israel trở nên khó khăn hơn.

Chú thích ảnh
Kệ bánh mì gần như trống không tại siêu thị Israel ngày 13/10. Ảnh: DW

Sau khi sơ tán khỏi khu vực biên giới với Dải Gaza, hàng chục nghìn người Israel hiện đang ở lại các vùng khác của đất nước. Nhiều người sống dọc biên giới phía Bắc với Liban cũng đã chuyển đến nơi an toàn. Tổng số công dân Israel đã sơ tán ước tính từ 200.000 đến 250.000 người. Ngoài ra, cho đến nay khoảng 360.000 quân nhân dự bị cũng đã được huy động nhập ngũ.

Các cơ sở kinh doanh đóng cửa ở khu vực người dân địa phương đã sơ tán. Hơn nữa, kể từ cuộc tấn công của lực lượng Hamas vào ngày 7/10 khiến 1.200 người Israel ngoài thiệt mạng và châm ngòi cho cuộc xung đột hiện nay, ngành du lịch Israel đã ngừng hoạt động. Điều này đồng nghĩa với một trong những nguồn thu nhập chính của Israel đóng băng. Giáo sư Dan Ben-David tại Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Shoresh thuộc Đại học Tel Aviv, nói với kênh DW (Đức) rằng hầu như không có hãng hàng không nước ngoài nào còn bay đến Israel.

Ông Dan Ben-David đánh giá, cho đến nay, gián đoạn với đời sống kinh tế vẫn nằm trong kiểm soát. Tuy nhiên, theo ông tầm ảnh hưởng của tình trạng này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cuộc xung đột kéo dài bao lâu, liệu Hezbollah có can thiệp hay không và thời gian phục vụ của lực lượng dự bị. Ông Ben-David bổ sung, nếu 360.000 người trong quân ngũ, bạn đời của họ sẽ phải tạm nghỉ việc để chăm sóc con cái, đặc biệt là khi nhiều trường học đã đóng cửa.

Sức ép với ngành công nghệ

Chú thích ảnh
Binh sĩ Israel được triển khai tại Dải Gaza ngày 12/11. Ảnh: THX/TTXVN

Theo DW, xung đột Israel-Hamas sẽ gây sức ép lớn cho một lĩnh vực quan trọng khác, đó là ngành công nghệ. Giáo sư Ben-David phân tích: “Tại Israel, chỉ có khoảng 10% lao động làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng họ chịu trách nhiệm cho hơn 50% xuất khẩu của đất nước”. Hầu hết những lao động này còn khá trẻ và hiện đang phục vụ trong quân đội ở Gaza hoặc biên giới với Liban. Ông giải thích, vấn đề nằm ở thực thế rằng những trường hợp được huy động nhập ngũ thường là thanh niên trẻ, được giáo dục tốt và đạt hiệu quả công việc cao.

Ông Ben-David đánh giá sự thụt lùi trong lĩnh vực công nghệ sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ Israel. Trong quá khứ, ngành công nghệ đã ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của khủng hoảng kinh tế, giúp Israel thoát khỏi suy thoái nhanh hơn.

Sau intifada lần thứ hai từ tháng 9/2000-tháng 2/2005, nền kinh tế Israel rơi vào tình trạng tồi tệ. Ông Ben-David hồi tưởng: “Nhưng sự tăng trưởng kinh tế sau đó thật phi thường vì công nghệ là động lực tăng trưởng chính”. Intifada là các cuộc nổi dậy đồng loạt, kéo dài nhiều năm của người Palestine chống lại nhà nước Israel.

Israel đã trải qua đại dịch COVID-19 theo cách tương tự. Trong khi mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng với hàng triệu người hầu như không làm việc trong một thời gian, Israel lại phục hồi nhanh chóng, hầu hết nhờ vào sức mạnh của ngành công nghệ. Giáo sư Ben-David kết luận rằng nếu cuộc chiến với Hamas không kéo dài quá lâu và Hezbollah không tham chiến thì nền kinh tế Israel có thể nhanh chóng lấy lại sức mạnh trước đây.

Nhưng điều này sẽ phụ thuộc vào việc liệu ông Benjamin Netanyahu có còn nắm quyền hay không. Trước khi xung đột Israel-Hamas nổ ra, các cuộc biểu tình rầm rộ chống lại kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ Thủ tướng Netanyahu đã khiến Israel rơi vào tình trạng căng thẳng. Giáo sư Ben-David cho biết: “Mặc dù nền kinh tế chưa hoàn toàn bất động, nhưng đầu tư đã giảm đáng kể. Đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao giảm, giá cổ phiếu đi xuống. Nhiều người Israel rút tiền ra khỏi đất nước và đồng nội tệ shekel mất giá đáng kể”.

Ông Ben-David dự đoán sẽ có thêm nhiều tiền chảy ra khỏi Israel khi các công ty công nghệ quay lưng lại với nước này. Ông bổ sung rằng trong 9 tháng đầu năm 2023, hầu hết các công ty khởi nghiệp của Israel đều được thành lập ở Mỹ và các nơi khác, thay vì ở Israel, đồng nghĩa với việc thất thu thuế.

Nguy cơ chảy máu chất xám

Chú thích ảnh
Người dân Israel biểu tình phản đối cải cách tư pháp tại thành phố Tel Aviv ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong các cuộc biểu tình rầm rộ vào tháng 9 phản đối kế hoạch cải cách tư pháp, một số doanh nhân công nghệ nổi tiếng đã không đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Netanyahu. Trên thực tế, nhiều nhân vật dẫn dắt và thậm chí ủng hộ tài chính cho các cuộc biểu tình lại xuất phát từ lĩnh vực công nghệ, ví dụ như các doanh nhân Moshe Radman và Ami Dror.

Ông Ben-David nói: “Điều bất thường là trước đây các nhân vật trong giới công nghệ chưa bao giờ dính líu vấn đề chính trị. Đơn giản là họ quá bận rộn phát triển ý tưởng và kiếm tiền. Nhưng khi nhận thấy tương lai của đất nước đang bị đe dọa, họ đã hành động”.

Giáo sư Ben-David cho rằng nếu ông Netanyahu tiếp tục nắm quyền, các nhân vật quan trọng của ngành công nghệ, cùng với nhiều nhà khoa học và bác sĩ, có thể cân nhắc rời khỏi Israel. Theo ông, nguy cơ này hình thành trước cả vụ tấn công ngày 7/10. Trong tháng 8 và tháng 9, số bác sĩ Israel nộp đơn xin Bộ Y tế để xin chứng chỉ xác nhận chuyên môn và công việc của họ đã tăng mạnh. Đây được coi là bước đầu tiên trong việc nộp đơn xin làm việc ở nước ngoài.

Gánh nặng tài chính khổng lồ

Theo hãng tin Bloomberg (Mỹ), xung đột tại Gaza đang tiêu tốn của Israel 260 triệu USD/ngày. Riêng tháng 10 vừa qua, thâm hụt ngân sách của Israel tăng gấp 7 lần. Vào cuối tháng 10, đồng shekel giảm xuống mức thấp nhất 11 năm so với USD. Ngân hàng trung ương Israel đã can thiệp và khiến đồng nội tệ ổn định hơn kể từ đó. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Israel thông báo sẽ gia tăng nợ chính phủ thêm 75% vào tháng 11.

Cây bút Marc Champion của Bloomberg ngày 17/11 kết luận về khó khăn kinh tế của Tel Aviv: “Israel là một nước đang có chiến tranh, với chi tiêu tăng vọt, doanh thu giảm và chi phí vay mượn theo chiều hướng tăng”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo DW)
Lực lượng Israel đang bao vây bệnh viện Indonesia ở Gaza
Lực lượng Israel đang bao vây bệnh viện Indonesia ở Gaza

Phóng viên đài Al Jazeera đưa tin từ Gaza cho biết, lực lượng Israel hiện đang bao vây bệnh viện Indonesia và bắn phá khu vực lân cận bệnh viện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN