Ngày 5/2, hàng trăm người Xyri đã tụ tập tại quảng trường chính Saba'a Bahrat ở trung tâm thủ đô Đamát của Xyri để bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống nước này Bashar al-Assad, một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) không thông qua dự thảo nghị quyết về Xyri.
Những người ủng hộ chính phủ Xyri tham gia mít tinh tại Quảng trường Sabaa Bahrat ở thủ đô Đamát ngày 5/2/2012. Ảnh: THX/TTXVN |
Những người biểu tình mang theo quốc kỳ Xyri và hô vang các khẩu hiệu sẵn sàng hy sinh vì ông Assad, không muốn bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Xyri và khẳng định nhân dân Xyri có thể tự giải quyết các vấn đề của mình. Những người biểu tình cho rằng: "Các biện pháp bạo lực không thể đem lại tự do và dân chủ thực sự, mà chỉ có cải cách mới làm được điều này". Theo họ, cần tạo cơ hội cho Tổng thống Assad tiến hành các cải cách mà ông đã đề ra.
Trước đó, trong cuộc bỏ phiếu đêm 4/2 theo giờ Việt Nam, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết bản dự thảo nghị quyết về Xyri do phương Tây và Liên đoàn Arập (AL) soạn thảo. Đây là lần thứ hai kể từ tháng 10/2011, hai nước thành viên thường trực này cùng sử dụng lá phiếu phủ quyết nhằm ngăn chặn một dự thảo nghị quyết của LHQ về Xyri. Văn kiện mới không công khai kêu gọi Tổng thống Assad từ chức hoặc đề cập đến một lệnh cấm vận vũ khí hay các biện pháp trừng phạt, nhưng lại "hoàn toàn ủng hộ" kế hoạch của AL nhằm tạo thuận lợi cho cái gọi là “quá trình chuyển tiếp dân chủ” tại quốc gia Trung Đông đang chìm trong bạo loạn này.
Một chuyên gia phân tích chính trị tại Xyri, ông George Gabbour nhận định lá phiếu phủ quyết của Nga và Trung Quốc là lời kêu gọi tất cả các bên ở Xyri tiến hành đối thoại, vốn là giải pháp tốt nhất cho cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông cho rằng: "Những ai từ chối đối thoại tức là muốn bạo lực và đổ máu". Trong khi đó, chuyên gia phân tích Taleb Ibrahim cũng cho biết lá phiếu phủ quyết kép trên sẽ giúp lập lại hòa bình và ổn định tại Xyri, đồng thời cứu được tính mạng của nhiều người dân vô tội nước này.
Tiếp tục các phản ứng của quốc tế, Iran đã hoan nghênh việc Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết lên án Xyri. Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi nhận định "đây là một hành động đúng đắn", đồng thời nhấn mạnh "HĐBA LHQ không có thẩm quyền can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia". Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe ngày 5/2 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Xyri sau việc Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết của HĐBA LHQ.
Cùng ngày, AL cho biết sẽ tiếp tục các nỗ lực chấm dứt bạo lực chính trị tại Xyri nhằm ngăn chặn sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Phát biểu sau khi Nga và Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết về Xyri tại HĐBA LHQ, Tổng Thư ký AL Nabil al-Arabi cho biết tuy dự thảo nghị quyết không được thông qua, nhưng rõ ràng đã có một sự ủng hộ quốc tế dành cho các quyết định của AL, vì vậy AL sẽ tiếp tục nỗ lực phối hợp với cả chính quyền và phe đối lập ở Xyri, gắn kết các bên liên quan nhằm đạt mục đích cuối cùng là chấm dứt bạo lực, bảo vệ dân thường Xyri. Ông nhấn mạnh AL sẽ tìm một giải pháp chính trị cho phép tiến hành các cuộc cải cách và thực hiện tiến trình thay đổi mà nhân dân Xyri đề nghị, từ đó bảo vệ họ khỏi sự can thiệp quân sự từ bên ngoài. Dự kiến, AL sẽ nhóm họp vào ngày 11/2 tới tại Cairô (Ai Cập) để đánh giá lại sứ mệnh của phái bộ quan sát viên AL tại Xyri.
Tại Xyri, hãng thông tấn SANA đưa tin trong ngày 5/2, ít nhất 16 người đã thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em, và gần 30 người bị thương trong các vụ tấn công do "các nhóm khủng bố có vũ trang" tiến hành. Hai em nhỏ thiệt mạng trong một vụ nổ bom điều khiển từ xa tại một trường học ở khu vực Al-Boukamal (miền Đông) cha mẹ và anh trai của các em này đã bị thương. Tại tỉnh Idlib (miền Bắc), một chiếc ô tô gài bom đã phát nổ bên ngoài một chốt kiểm soát an ninh làm một nhân viên an ninh thiệt mạng và 5 người bị thương. Trong khi đó, tại tỉnh Homs (miền Trung), một nhóm vũ trang đã tấn công một gia đình, làm toàn bộ 8 thành viên thiệt mạng. Các lực lượng an ninh đã vào cuộc và tiêu diệt toàn bộ thành viên nhóm này. Trong một cuộc giao tranh khác với một nhóm vũ trang gần Homs, một đại tá và hai binh lính đã thiệt mạng và 4 người bị thương. Nhiều thành viên nhóm này đã bị tiêu diệt. Trong một diễn biến mới nhất, một số binh lính đào ngũ đã phá hủy hoàn toàn một trạm kiểmsoát quân sự ở tỉnh Edleb (miền Bắc), làm ba sĩ quan thiệt mạng và 19 binh lính bị bắt làm con tin.
Trong khi đó, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5/2 đã phải dùng hơi cay để giải tán khoảng 400 người biểu tình tìm cách đột nhập lãnh sự quán của Xyri tại Ixtanbun. Sự việc này xảy ra sau một loạt các vụ tấn công tương tự nhằm vào đại sứ quán Xyri tại Aten (Hy Lạp), Béclin (Đức), Cairô, Luân Đôn (Anh), Canbơrơ (Ôxtrâylia)... Tại Ôxtrâylia, cảnh sát liên bang đã mở cuộc điều tra về vụ tấn công nhằm vào Đại sứ quán Xyri tại Canbơrơ, gây hư hại tầng trệt của tòa nhà.
TTXVN/Tin Tức