Xyri đánh dấu một năm bùng phát bạo loạn

Ngày 15/3 đánh dấu tròn một năm xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị và bạo loạn tại Xyri, cướp đí sinh mạng của hơn 8.000 người và làm hàng chục nghìn người khác phải lánh nạn.

Mặc dù cả Chính phủ Xyri và cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt làn sóng này, song cho đến nay cuộc khủng hoảng tại Xyri vẫn chưa có lối thoát. 

Một tòa nhà bị phá hủy trong vụ đánh bom ở Daraa ngày 3/3. Ảnh: AFP-TTXVN.


Phát biểu tại thủ đô Đamát nhân sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xyri Jihad Makdissi cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay "rất phức tạp", nhưng Xyri vẫn muốn tự tìm giải pháp chứ không cần tới sự can thiệp từ bên ngoài. Ông Makdissi cũng cho biết chính phủ nước này đã đưa ra "phản hồi tích cực và rõ ràng" đối với đề xuất của ông Kofi Annan - Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc - Liên đoàn Arập (LHQ -AL) về Xyri, đặc biệt trong hai vấn đề chấm dứt bạo lực và cứu trợ nhân đạo. Ông khẳng định cam kết của Xyri trong việc tiếp nhận hàng cứu trợ của cộng đồng quốc tế, với điều kiện chủ quyền của Xyri phải được tôn trọng, đồng thời kêu gọi Mỹ và phương Tây giảm nhẹ áp lực để tạo cơ hội thúc đẩy tiến trình chính trị hòa bình. 

Ông Makdissi đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh nhiều nước phương Tây tiếp tục gia tăng sức ép chính trị đối với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong động thái mới nhất, Arập Xêút, Italia và Hà Lan cùng tuyên bố đóng cửa đại sứ quán tại Xyri. 

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Arập Xêút ngày 14/3 nêu rõ: "Vì những diễn biến hiện nay ở Xyri, Vương quốc Arập Xêút đã đóng cửa Đại sứ quán ở thủ đô Đamát, đồng thời rút tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên làm việc trong đại sứ quán về nước". Trước đó, Arập Xêút từng nhiều lần hối thúc cộng đồng quốc tế hành động chống chính quyền Đamát, vũ trang cho quân nổi dậy ở Xyri và là một trong sáu nước vùng Vịnh trục xuất Đại sứ Xyri hồi tháng tháng Hai vừa qua.

Cùng ngày, Italia và Hà Lan cũng thông báo đóng cửa đại sứ quán tại Xyri và rút các nhà ngoại giao về nước để phản đối việc chính quyền của Tổng thống Átxát không ngăn chặn được bạo lực. Trước đó, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Mỹ cũng đã đóng cửa đại sứ quán tại Xyri. 

Trong một diễn biến khác, ngày 14/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và người đồng cấp Tuynidi đang ở thăm Đức Hamadi Jebali đã kêu gọi LHQ, đặc biệt là Hội đồng Bảo an (HĐBA), hành động nhiều hơn để giải quyết tình hình Xyri, nhưng không phải là hành động can thiệp quân sự. Đây cũng là quan điểm của Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc hội đàm cấp cao diễn ra tại thủ đô Oasinhtơn ngày 14/3. 

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng Tổng thống Átxát chậm thực thi các cải cách theo đề nghị của Mátxcơva. Đây là bình luận hiếm hoi của Nga thể hiện sự thất vọng đối với nhà lãnh đạo Xyri, đồng minh cuối cùng của Nga trong thế giới Arập. 

Những động thái trên diễn ra trước thời điểm Đặc phái viên Kofi Annan sẽ có buổi báo cáo về kết quả chuyến thăm Xyri trước HĐBA vào ngày 16/3 tới. Tại buổi báo cáo trực tuyến được tiến hành từ Giơnevơ (Thụy Sĩ), ông Annan sẽ thông báo chi tiết về những đề xuất đã đưa ra cho Chính phủ Xyri, cũng như về câu trả lời mà ông đã nhận được từ Tổng thống Assad.

TTXVN/ Tin Tức

Xyri phản hồi đề xuất của Đặc phái viên Annan
Xyri phản hồi đề xuất của Đặc phái viên Annan

Ngày 13/3, một người phát ngôn của Đặc phái viên Liên hợp quốc-Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan cho biết Tổng thống Xyri Bashar al-Assad đã có phản hồi về các đề xuất của ông Annan nhằm chấm dứt xung đột ở Xyri.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN