Ngày 26/3, người phát ngôn của đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) về vấn đề Xyri, ông Kofi Annan cho biết Đamát đã lần thứ hai hồi đáp đề xuất 6 điểm của ông Annan nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 1 năm qua tại Xyri.
Tuy nhiên, người phát ngôn này không cho biết chi tiết câu trả lời của Xyri, chỉ nói rằng ông Annan "đang xem xét hồi đáp của Đamát và sẽ sớm trả lời". Đề xuất của ông Annan kêu gọi đình chiến tại Xyri do LHQ giám sát, các lực lượng Chính phủ Xyri rút quân và vũ khí hạng nặng ra khỏi các thành phố diễn ra biểu tình, ngừng giao tranh ít nhất hai giờ mỗi ngày để viện trợ nhân đạo và tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng, đối thoại chính trị giữa chính phủ và phe đối lập. Tuy nhiên, đề xuất của ông Annan không đặt ra thời hạn nào cho chính quyền Xyri thực hiện các yêu cầu đó, cũng như không kêu gọi Tổng thống Xyri Bashar al-Assad từ chức. Giới chức Xyri đã đưa ra hồi đáp đầu tiên vào giữa tháng 3, song ông Annan đang tìm kiếm thêm thông tin từ phía Đamát.
Ngày 25/3, tại Mátxcơva, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev (trái) có cuộc gặp với Đặc phái viên LHQ và Liên đoàn Arâp (AL), ông Kofi Annan (phải) nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng chính trị ở Xyri và những nỗ lực của quốc tế về vấn đề này. Ảnh: AFP/TTXVN |
Phát biểu với báo giới ngày 26/3 trước khi lên đường tới Trung Quốc, đặc phái viên Annan nhận định rằng chính quyền của Tổng thống al-Assad không thể chống lại "luồng gió thay đổi" hiện nay, song còn quá sớm để đưa ra một lộ trình cho một giải pháp hòa bình. Ông Annan cho rằng sẽ là "không chính xác nếu đặt ra bất cứ thời hạn chót nào" để chấm dứt được tình trạng bạo lực ở Xyri. Theo ông, chỉ người dân Xyri mới có thể quyết định số phận Tổng thống al-Assad và ông kêu gọi các bên đối lập tiến hành đàm phán nhằm chấm dứt xung đột. Dự kiến, đặc phái viên Annan sẽ gặp các quan chức Trung Quốc tại Bắc Kinh trong ngày 27/3 và ông bày tỏ hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc đối với sứ mệnh tìm kiếm hòa bình cho Xyri mà ông đang thực hiện.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Irắc Hoshiyar Zebari cho biết tại Hội nghị cấp cao Arập (diễn ra từ 27-29/3 tại Irắc), các nhà lãnh đạo Arập sẽ không kêu gọi Tổng thống al-Assad từ chức nhưng sẽ bày tỏ sự ủng hộ với việc chuyển giao quyền lực tại nước này do người Xyri tiến hành. Hội nghị cấp cao Arập dự kiến cũng sẽ thông qua đề xuất hòa bình 6 điểm của đặc phái viên Annan.
Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc, ngày 26/3, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nhất trí ủng hộ các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở Xyri.
Xyri là một trong những vấn đề chủ chốt trong cuộc thảo luận kéo dài 90 phút giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ. Sau hội đàm, Tổng thống Obama đã xác nhận với báo giới rằng trong vài tháng qua đã có những bất đồng giữa Mỹ và Nga về vấn đề này song hai bên đã nhất trí rằng "cần ủng hộ nỗ lực của đặc phái viên Annan nhằm chấm dứt những đổ máu đang diễn ra ở Xyri", và mục tiêu là hướng tới một chính phủ "hợp pháp" tại Đamát.
Cùng ngày, Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen hoan nghênh sứ mệnh của ông Annan, đồng thời cho biết NATO sẽ không can thiệp tại Xyri. Phát biểu với báo giới Nga, ông Rasmussen nêu rõ: "Về vấn đề Xyri, tôi có thể khẳng định NATO hoàn toàn không có ý định can thiệp quân sự". Ông cũng hối thúc Chính phủ Xyri "đáp ứng các yêu cầu hợp pháp của người dân để mang tự do và dân chủ" tới nước này.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 27/3, các phe phái đối lập ở Xyri nhóm họp một lần nữa tại Ixtanbun (Thổ Nhĩ Kỳ) nhằm đạt được sự nhất trí với các mục tiêu chung trước khi diễn ra hội nghị "Những người bạn của Xyri". Các cuộc thảo luận không chính thức đã được các phe phái tiến hành từ cuối tuần qua song đàm phán chỉ chính thức bắt đầu từ ngày 27/3. Hội nghị "Những người bạn của Xyri" diễn ra lần đầu cuối tháng 2 vừa qua với sự tham dự của khoảng 60 nước, hội nghị lần thứ hai này sẽ khai mạc ngày 31/3 tới ở Ixtanbun.
Theo các nhà hoạt động, bạo lực vẫn tiếp diễn tại Xyri ở mức độ nghiêm trọng. Chính quyền Xyri đã áp đặt lệnh cấm xuất cảnh với tất cả nam giới trong độ tuổi từ 18-42. Trước tình hình này, Thổ Nhĩ Kỳ và Na Uy ngày 26/3 thông báo đóng cửa đại sứ quán tại thủ đô Đamát vì các lý do an ninh, sau khi nhiều quốc gia khác cũng có động thái tương tự do quan ngại an ninh hoặc nhằm phản đối chính quyền Xyri.
TTXVN/Tin tức